VN là nước xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ông Huỳnh Văn Hạnh |
Riêng tại thị trường nội địa, bình quân mức tiêu dùng đồ gỗ trong 5 năm gần đây khoảng 2 tỉ USD và doanh nghiệp (DN) từng bước tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng.
Trước việc thực thi các hiệp định thương mại như TPP, Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Hạnh (ảnh), Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), xoay quanh việc phát triển của ngành.
Một trong những quy định của TPP để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, ngành chế biến gỗ VN có đáp ứng được quy định này không?
VN hiện có khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng và mỗi năm khai thác được 16.000 m3 gỗ. Bên cạnh đó có thêm 2,5 triệu m3 gỗ cao su từ những rừng cao su và thêm khoảng 2 triệu m3 nguyên liệu từ các loại cây ăn trái lâu năm. Như vậy, tổng cộng các nguồn gỗ trên đáp ứng được 50% nhu cầu cho ngành chế biến gỗ cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa. Trong một sản phẩm gỗ, bình quân tỷ lệ nguyên liệu chiếm từ 37 - 40%, các phụ liệu khác khoảng 10%, còn lại là giá trị gia tăng (như nhân công, ý tưởng...) và đây cũng là ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng cao nhất tại VN. Số nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu từ các nước có quản trị rừng bền vững.
Trong số các nước thành viên TPP có khoảng một nửa quốc gia có gỗ xuất khẩu mà VN có thể nhập về như Úc, New Zealand, Mỹ, Chile, Canada... Việc nhập khẩu này mang lại lợi ích kinh tế khá nhiều. Ví dụ nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ rồi xuất khẩu sản phẩm gỗ ngược lại thị trường này thì DN vừa bảo đảm được thị trường vừa đáp ứng được các quy định về việc không sử dụng gỗ rừng tự nhiên của nước sở tại. Việc nhập khẩu gỗ nếu giá rẻ hơn trong nước còn là sự khôn ngoan vì sẽ làm gia tăng khối lượng gỗ tích trữ trong nước (ví dụ gỗ trồng 10 năm khai thác sẽ có khối lượng nhiều hơn gỗ trồng 5 - 6 năm...). Như vậy, hơn 4.000 DN chế biến gỗ VN hiện nay không e ngại vấn đề xuất xứ khi gia nhập TPP.
Tuy nhiên ngành gỗ cũng không hưởng lợi nhiều vì thuế nhập khẩu của các nước thành viên chỉ từ 3 - 5% và theo lộ trình sẽ giảm hết dù không có TPP.
Vậy những nguy cơ và khó khăn mà các DN ngành gỗ sẽ đối diện là gì?
Ngay khi VN đang đàm phán Hiệp định TPP thì các DN Trung Quốc, Đài Loan đã sang VN tìm kiếm để mua lại những nhà xưởng đang gặp khó khăn. Vì vậy, không loại trừ khả năng các DN nước ngoài sẽ mang bán thành phẩm vào VN để hoàn thiện và từ đó xuất khẩu sang các nước nội khối TPP để được hưởng lợi về thuế. Khi đó, phía VN sẽ không thu được lợi ích nhiều mà khả năng bị các nước kiện chống bán phá giá rất cao nếu số lượng xuất khẩu tăng mạnh. Vấn đề này nằm ngoài khả năng của các DN mà Chính phủ phải có sự quan tâm và tìm cách hạn chế thiệt hại.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa sẽ có sự cạnh tranh gay gắt hơn khi một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn có tâm lý thích sử dụng hàng ngoại. Ngoài ra, một số thương hiệu của nước ngoài cũng sẽ gia tăng sự hiện diện tại VN thông qua việc nhượng quyền hay liên doanh liên kết để sản xuất cho xuất khẩu lẫn bán ra trong nước. Tuy nhiên, DN phải học cách đối diện với điều đó và làm mọi cách để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chứ không phải do lâu nay ngành gỗ đang “bỏ rơi” thị trường nội địa và chỉ tập trung xuất khẩu?
Các DN chưa bao giờ bỏ rơi thị trường trong nước vì đây là sân nhà, là thị trường mà chính bản thân DN am hiểu nhất. Mỗi năm trong nước tiêu thụ khoảng 2 tỉ USD nhưng số lượng nhập khẩu rất ít, năm 2014 nhập khẩu sản phẩm gỗ chỉ hơn 51 triệu USD. Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ vẫn đang làm chủ được phần lớn tại thị trường nội địa, nhưng về lâu dài chắc chắn sự cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh hơn khi có sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài.
Các DN ngành gỗ cần làm gì để tiếp tục giữ vững kim ngạch xuất khẩu cũng như ở thị trường nội địa và hạn chế các nguy cơ?
Các DN đang đứng trước nhiều cơ hội để tận dụng và gia tăng đơn hàng xuất khẩu. Đó là việc sản phẩm của Trung Quốc - nước xuất khẩu lớn trên thế giới - đang bị nhiều quốc gia áp thuế chống bán phá giá. Đồng thời những quốc gia vốn có lợi thế về chế biến gỗ như Ý, Đức, Canada thì hiện nay việc sản xuất không còn hiệu quả, chỉ đáp ứng cho nhu cầu hàng cao cấp. Vì vậy, các đơn hàng cho sản phẩm ở phân khúc trung bình trở xuống đang dồn về các nước đang phát triển mà VN là nơi được xem xét nhiều nhất.
Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, ngoài việc chỉ sử dụng gỗ rừng trồng, các DN phải đầu tư công nghệ, cải tiến máy móc để gia tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. Đồng thời việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cũng cần được thực hiện thường xuyên để khai thác hiệu quả máy móc thiết bị, đưa ra thị trường nhiều thiết kế mẫu mã đa dạng, phong phú hơn.
Các DN đang đứng trước nhiều cơ hội để tận dụng và gia tăng đơn hàng xuất khẩu. Đó là việc sản phẩm của Trung Quốc đang bị nhiều quốc gia áp thuế chống bán phá giá; những quốc gia vốn có lợi thế về chế biến gỗ như Ý, Đức, Canada hiện việc sản xuất không còn hiệu quả, chỉ đáp ứng cho nhu cầu hàng cao cấp... Vì vậy, các đơn hàng cho sản phẩm ở phân khúc trung bình trở xuống đang dồn về các nước đang phát triển mà VN là nơi được xem xét nhiều nhất.
|
Bình luận (0)