"Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt", nhưng với người Ho Rum, nếu không bám vào rừng, họ sẽ đói. Bao đời nay vẫn thế… Ở nơi xa ngái này, rừng vừa như người cha chở che vừa là người mẹ dốc bầu sữa nuôi nấng bao lớp người. Chỉ là qua bao mùa cây rừng thay lá, người Vân Kiều ở Ho Rum đã sống khác, nghĩ khác, làm sao để không phải mang tội với rừng…
VÙNG ĐẤT XA NGÁI
Trên quãng đường gần 80 km từ TP.Đồng Hới (trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình) lên với Ho Rum, nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh đông sang đường Hồ Chí Minh nhánh tây, thạc sĩ Võ Văn Dự (67 tuổi, trú Thừa Thiên-Huế, cố vấn của Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN - tổ chức có trụ sở chính ở Hà Nội, có chi nhánh văn phòng ở xã Phú Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) tranh thủ bổ túc cho tôi ít "vốn liếng" về vùng đất chỉ nghe cái tên cũng thấy lạ này.
Ho Rum được gộp thành từ 2 bản là Ho và Rum. Bản Ho Rum hình thành khi những người Vân Kiều từ rẻo cao các xã Hướng Lập, Hướng Việt (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) chạy sang lánh đạn bom từ thời trước năm 1975 và lập bản. Ho Rum nằm ở thượng nguồn sông Long Đại, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.
"Theo quy định của pháp luật hiện hành, khu dự trữ thiên nhiên có cấp độ bảo vệ chỉ sau vườn quốc gia, đứng trên cả khu bảo tồn… Dễ hiểu vì sao Ho Rum từng là nơi không mấy ai lui tới. Càng dễ hiểu hơn khi mãi đến năm 2005 mới có đường bê tông đến tận bản Ho Rum và đến nay bản vẫn chưa có điện, chưa có mạng viễn thông và nước sạch", ông Dự cho biết.
Cũng theo vị thạc sĩ lâm nghiệp từng kinh qua các chức vụ Chủ tịch UBND H.A Lưới, Phó giám đốc Sở NN-PTNT rồi Phó ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế… này, ông biết đến Ho Rum từ 5 năm trước khi cùng đoàn cố vấn của Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt vào bản để thực hiện nhiều dự án, hỗ trợ sinh kế cho người dân và yêu luôn con người nơi đây.
SỐNG NHỜ RỪNG
Ông Dự rất thân thuộc với Ho Rum nên ngay từ đầu bản, người dân già có trẻ có đã đứng sẵn đón ông. Họ mời ông và người "đi ké" là tôi vào nhà ông Hồ Văn Vàng (38 tuổi, Bí thư chi bộ thôn) như những người khách quý. Chỉ một chốc sau, mấy già làng cũng đến gặp gỡ, trò chuyện…
Ông Vàng cho biết Ho Rum gồm 102 hộ với 273 nhân khẩu nhưng chỉ có 5 hộ cận nghèo, còn lại đều là… hộ nghèo. "Từ hàng chục năm trước, như những người Vân Kiều khác, chúng tôi sống nhờ rừng, ngày ngày lên rừng đốn gỗ, đặt bẫy thú. Rừng đã nuôi sống bao lớp dân bản. Nay chúng tôi vẫn sống nhờ rừng, nhưng chỉ vào rừng khai thác những loại lâm sản phụ khi được cán bộ cho phép. Mùa mây thì chúng tôi đi hái mây, mùa đác chúng tôi đi chặt đác, mùa mật ong rừng chúng tôi đi lấy mật", ông Vàng cho biết.
Bản Ho Rum nay được giao hơn 116 ha rừng để cộng đồng quản lý. Dân bản vốn từng là "lâm tặc gác kiếm", nay trở thành "tai mắt" cho lực lượng biên phòng, công an và kiểm lâm địa bàn. Thiếu tá Nguyễn Xuân Lục, cán bộ Đồn biên phòng Làng Ho, cũng nói: "Chuyện dân bản Ho Rum phá rừng, bẫy thú chỉ còn trong quá khứ".
Những khu rừng keo lai của dân bản Ho Rum dù đã quá tuổi nhưng chưa thể khai thác do nhiều vướng mắc
NGUYỄN PHÚC
Không chỉ không xâm phạm rừng tự nhiên, người Ho Rum còn biết trồng rừng từ khoảng 10 - 15 năm về trước. Già làng Hồ Miên (60 tuổi) kể ngày xưa tập tục canh tác của bà con rất đơn giản, cứ thấy đất là phát nương làm rẫy; làm vài vụ, đất bạc màu thì bỏ đi trồng cây ở nơi khác rồi vài năm sau trở lại. "Hồi năm 2012 - 2015, thấy công nhân Chi nhánh lâm trường Khe Giữa trồng keo lai, bố cũng như rất nhiều người dân trong bản trồng theo. Đất rừng đầy ra đấy, chỉ tay là thành… đất của mình, cứ thế mà trồng thôi, làm gì có xác nhận của chính quyền", già Miên kể.
Nhưng cũng vì cách nghĩ giản đơn đó mà khi cây keo lớn lên, cùng với việc pháp luật đã ban hành các quy định chặt chẽ hơn để quản lý rừng, đất rừng, thì dân bản Ho Rum không thể khai thác các khoảnh rừng do họ trồng trên đất "lấn chiếm" của nhà nước năm xưa.
"Gia đình bố có chưa đến 1 ha, trồng cây trên đó hơn 10 năm rồi. Giờ cây to gấp đôi bắp chân rồi mà bố không được cho phép khai thác", già Hồ Bảo (63 tuổi) nói, ra chiều buồn bã.
Đáng buồn hơn khi có tới 90% hộ dân ở Ho Rum có rừng trồng trên đất trái phép như già Hồ Bảo. Bí thư Vàng bình luận ngắn gọn: "Bà con ở đây, mảnh đất có ngôi nhà đang ở còn chưa có "sổ đỏ", huống chi là đất rừng".
VẪN SỐNG NHỜ RỪNG, NHƯNG THEO CÁCH RẤT KHÁC
Theo thống kê của ông Võ Văn Dự, diện tích đất mà dân bản Ho Rum đã "lấn chiếm" để trồng rừng là 74 ha, trong đó có 54 ha thuộc quản lý của UBND xã Kim Thủy, còn lại thuộc quản lý của Chi nhánh lâm trường Khe Giữa và Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.
Chính quyền không cho người dân khai thác rừng dù rừng đã quá tuổi khai thác rất lâu là có lý do. Bởi nếu đồng ý thì vô hình trung sẽ khuyến khích người dân tiếp tục lấn chiếm, phá rừng để trồng keo; xong lại bán đất cho người khác rồi tiếp tục lấn chiếm diện tích mới.
Để giải quyết tình huống éo le này, ông Dự đã đề xuất một ý tưởng đột phá, với sự hỗ trợ từ Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt, và đệ trình lên các cấp chính quyền. Theo ông thì UBND xã Kim Thủy đã rất ủng hộ. Hơn nữa, năm 2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình viết hẳn một đề án dày gần 50 trang về "Thí điểm tổ chức mô hình hợp tác xã lâm nghiệp liên kết chuỗi giá trị gỗ lớn keo FSC, góp phần hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số thôn Ho Rum (xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình)".
Theo ông Dự, diễn giải ra thì dài nhưng biện pháp cốt lõi của đề án là cho thành lập Hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp Ho Rum với xã viên là dân bản. Sau đó dân bản sẽ bán tài sản (rừng keo lai) trên đất đã lấn chiếm cho HTX để khai thác. Tiếp đó, HTX xin thuê đất có tài sản đã mua với điều kiện kinh doanh rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng FSC, rồi giao lại cho bà con xã viên có thể tiếp tục trồng rừng trên chính mảnh đất đó lâu dài. "Cách làm này giúp bà con tiếp tục có đất sản xuất, không thể chuyển nhượng sang tay, và không còn động lực (bán đất) để tiếp tục phá rừng", ông Dự nói.
Ngặt nỗi, dù ý tưởng rất thú vị, được nhiều cấp lãnh đạo ủng hộ, nhưng hiện vẫn chưa được áp dụng thí điểm trong thực tế vì nhiều lý do khách quan. Do đó người Ho Rum vẫn phải buồn bã ngước nhìn rừng keo lai già cỗi từng ngày…
Xin dẫn một bình luận của thạc sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt, trong công tác bảo tồn, rằng muốn bảo tồn bền vững thì phải có sinh kế cho người dân. "Nếu sinh kế không có thì mong muốn giữ rừng thật tốt là rất mong manh, bởi không có cha mẹ nào chấp nhận để con mình bị bỏ đói. Họ sẽ phải vào rừng, làm những việc cần làm, dù trái pháp luật", thạc sĩ Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Mong rằng lời bình này sẽ là động lực mạnh mẽ để nhà chức trách đẩy nhanh thí điểm, gỡ nút thắt ở Ho Rum, để dân bản vẫn tiếp tục sống nhờ rừng như bao đời nay nhưng theo một cách bền vững hơn. (còn tiếp)
Bình luận (0)