Gỡ khó cho dự án 'cao tốc rùa' Trung Lương - Mỹ Thuận

18/02/2019 06:16 GMT+7

Dù đã đổ vào tới gần 2.000 tỉ đồng, nhưng sau 10 năm, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ mới “bò” được 15,8% khối lượng và hiện giờ đang nằm im thở.

Nếu không được tháo gỡ các vướng mắc, dự án rất khó về đích đúng hạn vào năm 2020.

Mòn mỏi chờ đợi cả thập niên

“Tôi tin chắc chắn rằng, khi cả Quốc hội và người dân đều nóng ruột; khi nhà đầu tư và Bộ GTVT đều nóng ghế; nhiều vị lãnh đạo Chính phủ đều đang hành động nóng để giải quyết, thì không có lý gì mà dự án không được tháo gỡ nút thắt trong thời gian ngắn”.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả
"Bộ trưởng hứa tới 2020 đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến, Bộ trưởng nhớ lời hứa này?", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt câu hỏi này trong phiên điều hành chất vấn tại Quốc hội kỳ họp tháng 6.2018. Tháng 11.2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) tiếp tục hỏi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: “Người dân ĐBSCL chờ đợi đến bao giờ mới có được con đường này?”. Đây cũng chính là câu hỏi mà ông Nguyễn Văn Thể đã hỏi 4 tháng trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đã đăng đàn nêu ý kiến với Bộ trưởng GTVT tiền nhiệm tại phiên họp của Quốc hội: “Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến thời điểm này chưa làm gì, bây giờ Bộ GTVT giao tiếp cho VietinBank, tôi e rằng cách làm hiện nay không biết tới lúc nào mới xong con đường này”.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long diễn ra tháng 3.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển mạng lưới giao thông ĐBSCL và coi đó là lợi thế, động lực phát triển của khu vực này: “Bộ GTVT cần phải quyết liệt hơn, làm cho xong, cho sớm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kế đến là Mỹ Thuận - Cần Thơ. Xa hơn là nghiên cứu tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường sắt từ TP.HCM xuống Cần Thơ”.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang tháng 12.2018, một lần nữa Thủ tướng ra tối hậu thư hoàn thành cho các dự án quan trọng Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vàm Cống và đặc biệt là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thực tế, hàng triệu người dân, doanh nghiệp miền Tây và ĐBSCL đã chờ đợi tuyến đường trong mỏi mòn 10 năm nay. Đặc biệt, các nhà đầu tư theo dự án thì như ngồi trên đống lửa. Họ đã ném vào đó hơn 1.900 tỉ đồng, nhưng chưa biết khi nào có thể thoát ra khỏi cảnh trì trệ hiện tại, dù thời điểm cam kết hoàn thành tuyến đường chỉ còn hơn 1 năm nữa.

Thay thế nhà đầu tư có năng lực

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT chấp thuận nhà đầu tư mới thay cho Công ty Yên Khánh - đơn vị có nhiều lãnh đạo bị khởi tố vì sai phạm. Bởi nếu không được thay thế bằng một nhà đầu tư có năng lực, ngân hàng sẽ không giải ngân, dự án chắc chắn sẽ đứng bên bờ đổ vỡ. Đơn vị được Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chọn chính là Đèo Cả - tập đoàn đầu tư BOT thần tốc và hiệu quả hàng đầu VN. Tuy đang chờ được Chính phủ phê duyệt, nhưng bước đi này là một khởi động rất tốt cho quá trình vận hành trở lại dự án "tốc độ rùa" này.
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định, để dự án có thể về đích đúng kế hoạch, phải giải quyết 4 vướng mắc lớn trước mắt. Thứ nhất, đề xuất Chính phủ chuyển dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Đây là mô hình đã thực hiện thành công ở dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Tập đoàn Đèo Cả nhận sự kêu gọi của Bộ GTVT đã giải cứu thành công dự án trước đó đã đình trệ 2 năm và có nguy cơ phá sản). Tỉnh có đầy đủ công cụ, quyền lợi, nghĩa vụ và sát sườn với dự án nhất. Đưa dự án về cho tỉnh quản lý, tỉnh sẽ chủ động và trực tiếp giải quyết nhanh, gọn tất cả vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Phương án này cũng đã và đang được áp dụng thuận lợi ở những tuyến cao tốc trọng điểm như Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng. Nếu để Bộ GTVT tiếp tục quản lý (Bộ lại giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện), thì không có gì đảm bảo dự án sẽ không bế tắc tiếp.
Thứ hai, kiến nghị điều chỉnh quy định về lãi suất vay vốn. Hiện lãi suất vay vốn áp dụng cho dự án ở mức 7,82%/năm. Trong khi đó hợp đồng tín dụng đã ký lại ở mức 10,8%. Sự chênh lệch này dẫn đến việc không có khả năng thu hồi vốn, do đó không đảm bảo điều kiện để ngân hàng rót kinh phí cho dự án. Các cấp đã có rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc này, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Thứ ba, trong thời gian chờ tháo gỡ các vướng mắc tín dụng, để chạy đua với thời gian cam kết thông tuyến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền cần cho các nhà đầu tư của dự án huy động vốn tín dụng để thi công. Ngân hàng tài trợ vốn cần bảo lãnh cho Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thanh toán cho các nhà thầu đã huy động vốn ngắn hạn đó.
Thứ tư, cho phép các nhà đầu tư trong liên danh hiện tại tự tăng cường bổ sung năng lực để tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi có kết quả của Kiểm toán Nhà nước các bên liên quan. Từ đó sẽ căn cứ vào thực trạng để đình chỉ Công ty Yên Khánh, thay thế bằng nhà đầu tư có năng lực.
“Rất nhiều dự án sợ kiểm toán, vì họ muốn che giấu những phù phép, biến hóa. Nhưng chúng tôi lại kiến nghị mời kiểm toán vào cuộc để có thể làm tiếp một cách minh bạch nhất, hiệu quả cao nhất. Chúng tôi đã tính cả đến phương án xin phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để tiết kiệm nhất mà vẫn đạt chất lượng tốt, đồng thời cập nhật lại các thông số của phương án chính để không phải sử dụng Trạm thu phí TP.HCM - Trung Lương và ngân sách nhà nước không phải bỏ ra gần 4.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho dự án”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.