Gỡ khó cho tuyến metro

10/08/2017 07:57 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo về việc giải ngân vốn ODA cho dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và xem xét bố trí vốn cho nhiều dự án khác của TP.HCM.

Tháo gỡ vấn đề nguồn vốn
Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với TP.HCM, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) làm việc với các bộ chức năng về ứng vốn ODA cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 và bố trí vốn ODA trung hạn 2016 - 2020 phù hợp với nhu cầu và tiến độ thi công thực tế các dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn TP. Ngoài ra, Sở KH-ĐT cần hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư của 2 dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến số 2, làm việc với Ngân hàng Tái thiết Đức về tiếp nhận khoản vay bổ sung 200 triệu euro để thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 và hoàn tất các thủ tục bố trí 9.963 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để đầu tư 36 dự án chống ngập cấp bách của TP. UBND TP cũng giao Sở Tài chính làm việc với các bộ chức năng về đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước và thoái vốn đầu tư tại các DN khác để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách của TP.
Trước đó, dự án tuyến metro số 1 đã gặp khó khăn rất lớn về nguồn vốn. Cụ thể, theo nhu cầu tiến độ thi công của riêng tuyến metro số 1 năm 2017 cần 5.400 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu. Tuy nhiên, TP chỉ được phân bổ 2.100 tỉ đồng. Số tiền này chỉ đủ trả nợ nhà thầu bằng tiền tạm ứng trước đó của TP (từ cuối tháng 9.2016, TP đã quyết định tạm ứng vốn ngân sách để cung cấp cho các nhà thầu, trả lương cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư...).
TP.HCM cần cơ chế đặc thù
GS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đánh giá rất cao cách giải quyết của TP.HCM. Ông cho rằng TP.HCM là “đầu tàu”, sự phát triển của TP.HCM không chỉ là lợi ích riêng của TP mà còn đem lại lợi ích phát triển chung cho cả nước. Những dự án như tuyến metro không thể và không nên chậm trễ. Việc TP chủ động “xoay” vốn đối ứng là cách làm đột phá, gỡ được ách tắc, thể hiện nếu được trao quyền tự chủ nhiều hơn, địa phương hoàn toàn có thể chia sẻ gánh nặng cho nguồn ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, những chỉ đạo mới đây của Thủ tướng thể hiện Chính phủ cũng đã có giải pháp kịp thời, đúng lúc, có sự phối hợp đồng nhịp giữa trung ương và địa phương. “Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM mới đây, Thủ tướng cũng đã đồng ý cho TP.HCM giữ lại 67.000 tỉ đồng từ cổ phần hóa các DN nhà nước và thoái vốn để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng. Nếu có thể biến chỉ đạo này của Thủ tướng thành cơ chế và chính sách đặc thù thì TP sẽ có thêm nguồn lực để giải quyết các nút thắt, tự tìm ra biện pháp tốt để giải quyết vấn đề”, ông Thiên khẳng định.
Về chỉ đạo của Thủ tướng và TP, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công ĐH Fulbright VN, bình luận: “Phải để nguồn lực địa phương lại cho địa phương. TP cần có vốn đối ứng và nguồn lực cho hàng loạt dự án. Việc giảm tỷ lệ được giữ lại trong các khoản thu điều tiết giữa trung ương và địa phương của TP.HCM xuống còn 18% như hiện nay là quá khắc nghiệt với TP”.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đề xuất trung ương nên tạo điều kiện cho TP.HCM huy động thêm được nhiều nguồn vốn, nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông, chống ngập úng. Chỉ nghĩ đến tỷ lệ điều tiết thì TP.HCM không thể có đủ điều kiện và nguồn lực để phát triển được. “Việc chốt con số tỷ lệ giữ lại 18% đến năm 2020 là hơi siết đối với TP. Trong tình hình kinh tế vĩ mô cả nước được cải thiện thì cần tính toán điều chỉnh lại, linh động hoặc nhanh chóng đưa ra cơ chế đặc thù giúp TP.HCM có cơ hội phát triển”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.