Gỡ 'nghẽn' thể chế, bắt đầu từ đâu?

12/11/2024 07:00 GMT+7

'Đứng trên mảnh đất thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp' là một trong những giải pháp cụ thể được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra khi ông yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Bám sát thực tiễn để ban hành chính sách cũng là con đường nhanh nhất để chính sách đi vào cuộc sống.

Mắc kẹt trong "rừng" thủ tục

Dù Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất nỗ lực, nhưng các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để, còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Gỡ 'nghẽn' thể chế, bắt đầu từ đâu?- Ảnh 1.

Cải cách thủ tục hành chính, quản lý bằng pháp luật nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, không gây khó khăn, nhũng nhiễu

ẢNH: NHẬT THỊNH

Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã "mắc kẹt" trong rừng thủ tục khi có tới 61% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% doanh nghiệp còn phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…

Những phiền hà về cấp phép kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Mới đây nhất, câu chuyện này tiếp tục được các đại biểu đưa ra tại diễn đàn Quốc hội, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) phản ánh, việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài. Quá trình phối hợp trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành còn chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

Dẫn chứng bằng việc triển khai 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đại biểu Nam cho biết, từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, thủ tục đấu nối giao thông, thủ tục về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan đến dự án. Thế nhưng, việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm.

"Trong khi theo quy định của luật Đầu tư, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày. Nhưng đến nay hồ sơ dự án trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư", ông Nam cho hay.

Chỉ ra "đường đi" của một bộ hồ sơ là phải qua rất nhiều cơ quan, mà một cơ quan thì qua rất nhiều bộ phận, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng "cần phải rút gọn bộ máy để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực xã hội để tăng năng suất lao động".

Phản ánh tỷ lệ phát triển tăng vốn của đầu tư tư nhân đang giảm, hiện khoảng 7%, bằng một nửa giai đoạn trước, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị làm rõ nguyên nhân khiến tỷ trọng đầu tư tư nhân vào nền kinh tế giảm đi. Ở góc nhìn của mình, ông An cho rằng với doanh nghiệp tư nhân, tiền có thể không cần, nhưng họ cần cơ chế và ông nhận định: "vướng mắc chính ở đây là thủ tục".

Thực trạng kể trên cùng nhiều vướng mắc khác liên quan đến thể chế đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn thấy, khi ông thẳng thắn chỉ ra hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế.

Người đứng đầu Đảng cũng khẳng định, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân.

"Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn," đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Theo ông, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Gỡ từ đâu?

Để đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đúc kết 6 giải pháp cơ bản. Trong đó, bằng tư duy thực tiễn, hiệu quả, Tổng Bí thư yêu cầu: "Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật".

Gỡ 'nghẽn' thể chế, bắt đầu từ đâu?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khi "điểm nghẽn của điểm nghẽn" được tháo gỡ thì sẽ tạo ra "đột phá của đột phá"

ẢNH: GIA HÂN

Rất tán thành với giải pháp mà Tổng Bí thư nêu ra, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, đó là góc nhìn của người có nhiều trải nghiệm. Ông Cung nói, gỡ các điểm nghẽn phải bắt đầu từ thực tiễn, phải xuất phát từ yêu cầu hợp lý của người dân, doanh nghiệp. Người làm chính sách phải quan tâm người dân, doanh nghiệp cần gì, cần gỡ gì, đang làm tốt việc gì để tư duy chính sách thuận lợi hơn, nhanh hơn.

"Người làm chính sách đừng mang tâm thế của người quản lý nhà nước mà phải mang tâm thế của người thúc đẩy phát triển", ông Cung nêu quan điểm và nhấn mạnh, đây là câu chuyện của đổi mới tư duy.

"Phải đổi mới tư duy mới đổi mới được những thứ khác", ông Cung khẳng định. Theo ông, khi nhu cầu sửa đổi xuất phát từ thực tiễn thì sẽ không có công thức chung nào cả, mà phụ thuộc vào tư duy của người làm chính sách.

Tư duy "bắt đầu từ thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp" sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, qua đó là con đường ngắn nhất để chính sách đi vào cuộc sống. Gỡ "nghẽn" thể chế chính là bắt đầu từ những việc cụ thể, từ vướng mắc hiện hữu, cần được giải quyết ngay. Đó cũng là con đường nhanh nhất để lấy lại niềm tin nơi người dân, doanh nghiệp đối với quyết tâm cải cách của các cơ quan quản lý.

Khi "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn" thì tháo gỡ được nó, như nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, sẽ tạo ra được "đột phá của đột phá". Do đó, tại kỳ họp 8, ông Dũng cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh nhằm giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền.

Với các điểm nghẽn được tháo gỡ, theo tinh thần pháp luật vừa quản lý, vừa kiến tạo phát triển, ông Dũng tin rằng sẽ giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.