Nghị quyết và nghị định mới là giải pháp trước mắt tạm thời, nhưng thật sự đã giải quyết rất nhiều vấn đề tồn tại trong mua sắm TTBYT. Điều này cũng hy vọng sẽ giúp các bệnh viện (BV) có đủ cơ sở pháp lý để mua sắm TTBYT nhanh nhất phục vụ người bệnh.
Những ngày qua, trên website của mình, nhiều BV cũng đã thông báo mời thầu rộng rãi để mua sắm TTBYT.
Quy định đã mở, nhưng thực tế vẫn còn những tâm tư. Trong đó, nổi lên là quy định "3 báo giá" TTBYT trong mời thầu (điều mà các đơn vị than khó thực hiện với các TTBYT độc quyền) nay chỉ cần "1 báo giá", nhưng không ít BV lại vẫn lo có thể "dính sai phạm". Bởi nhiều BV cho rằng đại dịch Covid-19 đã bộc lộ mặt trái vốn tồn tại nhiều năm qua trong đấu thầu là giá TTBYT, giá thuốc. Không BV nào có thể biết được giá gốc xuất xưởng của TTBYT (ngay cả thuốc) từ nước ngoài và giá về đến hải quan là bao nhiêu. Cũng khó ai có thể biết được một loại TTBYT (hay thuốc) nhập khẩu đến tay người dùng đã qua mấy khâu trung gian, mua bán lòng vòng để nâng giá thế nào...
Vấn đề giá như nói trên với lãnh đạo các BV là khó, đòi hỏi cơ quan quản lý cần có biện pháp giải quyết từ gốc. Theo nhiều chuyên gia, biện pháp quản lý là cộng giá xuất xưởng, giá vận chuyển (các chi phí liên quan) để thành giá hải quan, sau đó quy định phần trăm lợi nhuận (tùy giá trị TTBYT cao thấp để điều chỉnh phần trăm hợp lý) để ra "giá cuối". Nếu có quy định này thì các bên mời thầu (chủ đầu tư công) đỡ "run", lãnh đạo các BV cũng tự tin hơn khi quyết...
Những điều trên cần có luật quy định chặt chẽ, cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, của người làm công tác đấu thầu. Khi mọi việc đã minh bạch, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân câu kết nâng giá TTBYT, thuốc thì cứ theo pháp luật xử lý.
Bình luận (0)