Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đóng góp tại cuộc họp lấy ý kiến chođề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Nâng chất lượng gạo xuất khẩu là một mục tiêu quan trọng - Ảnh: D.Đ.M
|
Một số nội dung chính trong đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo là VN sẽ duy trì vị thế xuất khẩu gạo của mình nhưng hướng vào chất lượng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Yêu cầu của tái cơ cấu phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, nhất là người nông dân. Để làm được điều này, cần xây dựng các vùng chuyên canh xuất khẩu. Từ đó tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và chế biến sâu các sản phẩm sau gạo cũng như chế biến các phụ phẩm của lúa gạo. Xây dựng các sản phẩm gạo theo từng thị trường cụ thể, từ đó gắn với việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và quốc tế...
Về thương mại, cần tái cấu trúc Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và các công ty lương thực như: Vinafood 1 và 2. Xây dựng và phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong ngành lúa gạo làm ăn có hiệu quả. Một vấn đề quan trọng trong thương mại lúa gạo là cần phải xóa bỏ tình trạng buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc và cả Lào, Campuchia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề án đưa ra 3 nhóm với 24 giải pháp ưu tiên và 14 đề án thành phần là quá dàn trải, trong khi mấu chốt, nguyên nhân chính, giải pháp đột phá ưu tiên là gì thì không làm bật lên được. Muốn tái cơ cấu thành công phải đặt trọng tâm vào việc tái cơ cấu thu nhập cho người nông dân. Mặt khác phải đổi mới tư duy từ số lượng sang chất lượng. Để có thể nâng cao thu nhập cho nông dân, phải giảm chi phí và tăng giá trị đầu ra, bằng cách tăng chất lượng sản phẩm.
Bình luận (0)