Đầu tháng 6, Sở NN-PTNT Đắk Lắk có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT cho cơ chế tiêu thụ và quy định giá bán đối với hơn 90 m3 gỗ thủy tùng được thu giữ ở tỉnh này từ năm 2007.
Những khối gỗ thủy tùng mục nát do phơi mưa nắng nhiều năm ở H.Krông Năng - Ảnh: Ngọc Quyền
|
Gần 10 năm qua, hàng ngày người dân H.Krông Năng (Đắk Lắk) chứng kiến hàng chục m3 gỗ thủy tùng quý hiếm chất thành đống, phơi mưa nắng ở trung tâm huyện. Đây là số gỗ tang vật do lực lượng chức năng tịch thu trong quá trình bắt giữ các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Krông Năng, cho biết phần lớn số gốc thủy tùng cổ thụ này khá cồng kềnh, không có nhà kho đủ chứa nên phải mượn sân sau Nhà văn hóa huyện để giữ tạm nhưng lại kéo dài nhiều năm qua. “Cơ quan kiểm lâm phải trả chi phí thuê người trông coi số gỗ này với tiền công mỗi tháng 300.000 đồng”, ông Tiếp cho hay.
|
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, số gỗ thủy tùng tang vật vẫn không được đưa về sử dụng, quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền cho bán đấu giá, hoặc sử dụng số gỗ vào trang trí nội thất trụ sở cơ quan công quyền của tỉnh… Nhiều cuộc họp liên ngành được tổ chức, cùng hàng chục văn bản qua lại giữa các cơ quan chức năng nhưng phương án thanh lý vẫn chưa được “chốt”. Trong khi chờ đợi, cơ quan kiểm lâm đề xuất xin kinh phí làm nhà tạm che mưa nắng, bảo quản khối lượng gỗ quý. Thế nhưng nhiều năm qua, nhà tạm không được dựng, nhiều khối gỗ thủy tùng bị mục nát dần giữa mưa nắng. Sốt ruột với tình cảnh gỗ quý hư hỏng, tháng 4.2013, UBND H.Krông Năng lại xin thanh lý, sử dụng vào các công trình công cộng của huyện nhưng vẫn không được chấp thuận.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 90,59 m3 gỗ thủy tùng đang được thu giữ ở các đơn vị kiểm lâm. Trong đó, ngoài 50,6 m3 ở H.Krông Năng, còn có 23,35 m3 ở H.Ea Hleo, 16,62 m3 ở H.Krông Búk; tất cả đều trong bỏ ngoài trời.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Y Si H’Dớk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho biết đến nay có gần 30 văn bản của các cấp, các ngành liên quan đến xử lý số gỗ thủy tùng tang vật trên. Theo ông Y Si H’Dớk, mấu chốt vấn đề là nhiều năm qua các sở, ngành chưa vận dụng đầy đủ quy định của Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trong đó tại khoản 2, Điều 9 nêu rõ “thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại”.
“Mới đây, căn cứ Nghị định 32/2006 này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý đưa số gỗ thủy tùng (nhóm 1A) tang vật ra bán đấu giá để sung công quỹ. Vấn đề là giá bán thủy tùng không có trong danh mục giá do UBND tỉnh quy định nên Sở NN-PTNT phải đề xuất và chờ ý kiến của Bộ NN-PTNT”, ông Y Si H’Dớk nói. Vị trưởng chi cục kiểm lâm Đắk Lắk cũng thừa nhận việc xử lý chậm trễ của các cơ quan chức năng đã khiến một khối lượng không nhỏ gỗ thủy tùng bị hư hại, gây lãng phí.
Bình luận (0)