Gỡ rối “đất ở không hình thành đơn vị ở”

06/05/2022 13:59 GMT+7

Vướng mắc chính sách tại các dự án bất động sản du lịch (BĐSDL) không chỉ khiến hàng trăm nghìn tỉ đồng đóng băng mà còn xảy ra nhiều tranh chấp quyền lợi các bên.

Sáng 6.5 tại Khánh Hòa, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ.

Quang cảnh hội nghị gỡ vướng cho thị trường BĐSDL

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến hết tháng 9.2021, BĐSDL đã có 114.097 căn codotel và 24.399 villa, đây là con số khá tích cực nếu so sánh với tổng số lượng buồng phòng khách sạn đã phát triển trong nhiều năm trở lại đây và lũy kế đến năm 2021 mới đạt khoảng 650.000 phòng. Như vậy mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng BĐSDL đã đóng góp tương đương khoảng 21,3% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc.

Nhưng câu chuyện tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với hơn 40 dự án thì có đến khoảng một nửa số dự án liên quan đến “đất ở không hình thành đơn vị ở” và nhiều dự án đến nay chưa được cấp “sổ đỏ” cho nhà đầu tư thứ cấp. Theo ông Đỗ Văn Đại, Giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, hiện trong Luật Đất đai không có quy định loại đất nào là “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Tuy nhiên trong quá trình phát triển tại một số địa phương đã xuất hiện loại hình này. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp chưa được cấp giấy chứng nhận, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua bán bất động sản với nhà đầu tư rơi vào cảnh tiến không được, lùi không xong khi đối mặt với những tranh chấp, khiếu kiện của khách hàng, gây thiệt hại lớn đến uy tín của doanh nghiệp.

Một góc KDL Bắc bán đảo Cam Ranh - nơi có nhiều dự án BĐSDL đã đi vào hoạt động

Ông Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế Đại học Luật TP.HCM nhận định, vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua chính là sự không đồng bộ và thiếu rõ ràng trong các quy định pháp luật và chính sách của nhà nước. Ở nhiều dự án bất động sản du lịch việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trong dự án bị đóng băng. Có tình trạng cơ quan chức năng nhiều địa phương chưa dám cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cá nhân vì lo ngại khung pháp lý.

Để tháo gỡ khó khăn loại hình BĐSDL, ông Trần Việt Dũng cho rằng cần bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 về nhóm đất phi nông nghiệp nhằm định danh chính xác, cụ thể đất xây dựng các bất động sản du lịch theo hướng quy định rõ tính pháp lý. Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng BĐSDL chưa có khung pháp lý nên kéo theo đó là hàng loạt dịch vụ đi kèm chưa thể phát triển, thậm chí có giáo dục, y tế, hạ tầng...Vì thế, theo ông Lực, trong khi chờ luật Đất đai sửa đổi, các chuyên gia về luật kiến nghị nên có những văn bản dưới luật để giải quyết vướng mắc hiện nay để gỡ điểm nghẽn, không để tình trạng mâu thuẫn lợi ích của nhà đầu tư, khách hàng hiện nay.

Ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhận định, quy hoạch sử dụng đất phải gắn với việc phân vùng sử dụng đất theo nghĩa này hoặc nghĩa khác (tiêu chí phân vùng) và gắn chặt chẽ với các loại quy hoạch khác. Thế nên trong sửa đổi luật đất đai cần chuyển hẳn phương pháp quy hoạch sử dụng đất từ tiêu chí theo mục đích sử dụng đất sang tiêu chí theo phân vùng sử dụng đất; xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ KH-ĐT với Bộ TN-MT nhằm hướng dẫn việc kết nối giữa Quy hoạch quốc gia ngành du lịch với quy hoạch sử dụng đất có liên quan đến các khu chức năng du lịch, nghỉ dưỡng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.