|
Về mặt pháp lý, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: theo quy định tại điều 36 bộ luật Dân sự thì việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Còn khoản 1 điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính, thay đổi giới tính vì ý thích chủ quan.
“Vướng” ở ngành y tế
“Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra. Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét cả về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính. Cả hai trường hợp này cần có sự can thiệp của y tế mới xác định được chính xác”, luật sư Quý giải thích.
Tuy nhiên, Nghị định 88 và Thông tư 29 của Bộ Y tế về xác định lại giới tính quy định chỉ những bệnh viện có đủ điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là nhân lực (có ít nhất 1 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, 1 bác sĩ chuyên khoa ngoại, trình độ sau đại học hoặc có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị những khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác…) phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép thì mới được xác định lại giới tính.
Theo quy trình, những người muốn thay đổi hộ tịch từ giới tính nam sang nữ hay từ nữ sang nam phải đi khám và điều trị tại những bệnh viện đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép mới được cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã được can thiệp y tế. Sau đó, những người này nộp hồ sơ đến UBND cấp huyện để điều chỉnh lại giới tính của mình. UBND cấp huyện căn cứ vào giấy chứng nhận y tế để điều chỉnh lại hộ tịch cho họ.
Thế nhưng đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào được cấp phép làm việc này và cũng không bệnh viện nào làm thủ tục cả. Trước nhu cầu của xã hội, mới đây Bộ Y tế mới chỉ định một số bệnh viện làm thủ tục để được cấp phép, nhưng nhanh lắm cũng phải giữa năm nay mới có dịch vụ này.
“Giả dạng lừa đảo thì chết”
Trên thực tế, do một thời gian dài không được pháp luật thừa nhận và cũng không tìm thấy lối ra, phần đông những người chuyển giới đã chấp nhận cuộc sống... ngoài vòng pháp luật.
Khi được hỏi liệu một người giới tính thực tế khác với giấy tờ công chứng mua bán tài sản có được không, ông Trần Quốc Phòng - Trưởng văn phòng Công chứng Gia Định (TP.HCM), khẳng định rằng họ để tóc dài, mặc váy, trang điểm là quyền tự do của họ, đúng tên tuổi, đúng dấu lăn tay thì công chứng viên phải chứng chứ không thể từ chối. Thế nhưng ông Phòng cũng đắn đo: “Hiện nay nếu đã chuyển đổi giới tính, thay đổi hình hài hoàn toàn như gọt cằm, cắt vai, tên một đằng mà giới tính trên hộ khẩu một nẻo mà công chứng viên nghi ngờ không xác minh được thì cũng phải xem xét cẩn trọng, yêu cầu người đó tự chứng minh bằng cách cung cấp giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền xác định 2 người là một thì mới dám công chứng”.
Nhiều công chứng viên khi được hỏi cũng nêu rõ quan điểm ngại công chứng những trường hợp này vì giấy tờ không đúng với con người hiện tại làm sao xác định được thực chất “anh/chị là ai? Nếu lỡ người giả dạng lừa đảo thì chết!".
Theo các chuyên gia pháp lý, chỉ đến khi nào “cải” được hộ tịch thì người chuyển giới mới không gặp rắc rối về pháp lý. Bởi luật pháp hiện nay của chúng ta được xây dựng trên cơ sở phân biệt rõ giới tính, từ Hiến pháp đến luật Hôn nhân gia đình, luật Lao động…
Người chuyển giới đang thực sự cần gì ? Trên cơ sở một nghiên cứu khá công phu về người chuyển giới, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường, cho biết hiện nay ở VN cộng đồng người chuyển giới đang gặp phải nhiều định kiến kỳ thị, phân biệt đối xử trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc và ở xã hội nhất trong số các nhóm yếu thế. Hỗ trợ pháp lý và quyền nhân thân cho người chuyển giới là điều quan trọng nhất bởi chính việc pháp luật chưa thừa nhận, chưa bảo vệ đã dẫn đến những bất công và thiệt thòi cho họ. Ông Bình cho rằng cần ban hành các quy định pháp lý cho phép người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính được thay đổi thông tin trên toàn bộ giấy tờ tùy thân. Có thể ghi từ giới tính cũ chuyển qua giới tính mới, tuy nhiên có thể chỉ ghi giới tính mới. Điều này nên tham vấn cộng đồng chuyển giới về mong muốn của họ. Có mục khác hoặc mục chuyển giới trong mục giới tính trên các giấy tờ tùy thân; cho phép người chuyển giới đổi tên và ảnh trên giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, đăng ký tạm trú hoặc hồ sơ sở hữu tài sản (sổ đỏ, giấy tờ xe...); cho phép kết hôn... Thái Sơn |
Lê Nga
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới: Giới y học nói gì ?
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 3: Cơ quan chức năng cũng khổ
Bình luận (0)