Xe

Gỡ ùn tắc trên cầu sông Hàn

14/07/2017 20:17 GMT+7

Thời gian gần đây, trên cầu quay sông Hàn, TP.Đà Nẵng (đoạn gần nút giao phía tây cầu) thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn do ùn tắc, khiến người dân bất an. Đã có một số ý kiến để “gỡ” tình trạng này.

Là người hay qua lại cầu mỗi ngày, anh Phạm Văn Hoàng (30 tuổi, trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) đã chứng kiến không ít vụ va quẹt hoặc tông vào đuôi xe của nhau ngay trên cầu. Theo anh Hoàng, tai nạn thường xảy ra vào giờ cao điểm vào các buổi sáng khi các phương tiện hướng từ Q.Sơn Trà đổ về Q.Hải Châu.
“Có lần tôi vừa qua giữa cầu thì chứng kiến một xe máy do không làm chủ tốc độ đã tông vào đuôi một ô tô đang di chuyển chậm phía trước. Người điều khiển xe máy bị thương khá nặng và được người dân đưa đến bệnh viện”, anh Hoàng kể. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vào các buổi sáng, lưu lượng xe cộ đổ về nút giao cầu sông Hàn rất đông. Trong khi đó, ngay tại nút giao này có đèn tín hiệu nên xe cộ ùn ứ hàng dài trên cầu.
Đại úy Nguyễn Thiên Hoàng, Đội trưởng Đội điều khiển tín hiệu (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng), xác nhận có tình trạng các phương tiện va chạm với nhau trong giờ cao điểm, nhưng người dân thường tự giải quyết với nhau.
Về nguyên nhân các vụ tai nạn, đại úy Hoàng cho rằng, do đường nhỏ, phương tiện đổ xô về trung tâm TP quá đông, trong đó nhiều du khách chưa biết phía trước có đèn tín hiệu nên thường thắng gấp. “Bên này cầu là dốc nên người điều khiển phương tiện thường tăng tốc. Khi đổ dốc về nút giao, do không làm chủ tốc độ nên dễ xảy ra tai nạn. Việc lắp đặt đèn tín hiệu ngay nút giao buộc các phương tiện phải xếp hàng chờ đèn xanh trên cầu sông Hàn là không ổn. Tuy nhiên, đây là giải pháp duy nhất bởi không thể không lắp đặt đèn”, đại úy Hoàng phân tích.
Nghiên cứu mở thêm làn đường tuyến ven biển
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, việc giao thông ùn tắc là tất yếu do việc đi lại của 1 triệu cư dân TP cộng với hàng triệu du khách đến địa phương. Trước đây, tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... làm 4 làn xe, tưởng là rộng nhưng giờ đã kẹt cứng vì “tốn” hết 2 làn để đậu đỗ xe. Ông Nguyễn Xuân Anh cảnh báo trong những năm tới khi khách sạn mọc lên thì những tuyến đường này “không thể nhúc nhích được”, đồng thời chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu có thể mở rộng thêm 1-2 làn trên những tuyến này.
Nên cấm ô tô rẽ trái qua cầu?
Cũng theo đại úy Hoàng, khi mới vận hành hầm chui, do thời gian thoát phương tiện trên cầu quá ngắn nên thường xuyên xảy ra việc ùn tắc. Về sau, đèn xanh đã được tăng lên thành 55 giây để phương tiện có thể thoát ra khỏi nút giao. Tuy nhiên, do xung đột giao thông bởi các phương tiện từ hướng đường Trần Phú rẽ trái qua cầu nên tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.
Để giải quyết, đại úy Hoàng đề xuất nên cấm ô tô từ hướng Trần Phú qua cầu vào giờ cao điểm. Theo đó, để qua cầu sông Hàn, các phương tiện sẽ được hướng dẫn để qua đường Lê Duẩn, từ đó đi thẳng qua cầu mà không rẽ trái gây xung đột với làn xe từ cầu sông Hàn qua.
Ngày 6.7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh cho biết tình trạng kẹt xe vào giờ tan tầm trên địa bàn đã rất rõ.
Theo ông Xuân Anh, nút giao thông tây sông Hàn được đầu tư 60-70 tỉ đồng nhưng vẫn còn những bất cập. Việc làm hầm là để ưu tiên tuyến từ cầu sông Hàn về chứ không phải tuyến đường Trần Phú nhưng buộc phải làm hầm theo hướng Trần Phú. Tuy vậy phải tính làm sao để không bị ùn tắc trên cầu sông Hàn khi xuống đường Lê Duẩn và ngược lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.