Gỡ vướng nhanh các dự án trọng điểm

11/08/2024 05:49 GMT+7

Trước sự tăng trưởng chậm lại của vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên gỡ vướng các dự án trọng điểm để sớm đưa vào sử dụng.

"Tập trung gỡ vướng" là thông điệp xuyên suốt của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với TP.HCM về phát triển KT-XH, 1 năm thực hiện các cơ chế đặc thù và phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, diễn ra ngày 10.8.

CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VẪN TẮC

Đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết các cơ chế triển khai nhanh và đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chậm, các ý kiến tham gia chưa rõ, chưa kịp thời nên chưa đủ cơ sở trình Thủ tướng quyết định.

Gỡ vướng nhanh các dự án trọng điểm- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về phát triển KT-XH và kết quả thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội

TTXVN

Đơn cử như dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Dũng cho biết đang chờ Bộ TN-MT đánh giá về vấn đề môi trường; hướng dẫn việc giao đất, giao mặt biển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tương tự, Bộ NN-PTNT chưa hướng dẫn UBND TP.HCM và nhà đầu tư quy trình, thủ tục đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Còn Bộ GTVT cần xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng đối với dự án trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định về các vấn đề liên quan công nghệ khi lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá khả năng kết nối giao thông.

Thủ tướng kiểm tra nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, giải thích việc chậm đánh giá tác động môi trường dự án này do thiếu kế hoạch sử dụng đất của TP.HCM và H.Cần Giờ. Hơn nữa, dự án thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên cần tuân thủ các quy định quản lý, bảo vệ rừng, muốn chuyển mục đích thì dự án phải có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng hoặc được Thủ tướng phê duyệt.

Cần nhận thức đúng hơn trong phối hợp hành động

Gỡ vướng nhanh các dự án trọng điểm- Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc

NHẬT THỊNH

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá mục tiêu phân cấp, ủy quyền tối đa vẫn còn khá nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ. Cơ chế Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo nói lên tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, những vấn đề được Thủ tướng phát hiện, chỉ đạo tháo gỡ thì các bộ, ngành lại luẩn quẩn đi tìm quy định hiện hành cho an toàn dẫn đến chậm trễ, kéo dài. Do vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cần phải nhận thức đúng hơn trong phối hợp hành động, khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ông Nên cũng nhìn nhận cải cách hành chính, chuyển đổi số vẫn còn chậm trễ, phiền hà không chỉ với người dân, doanh nghiệp mà ngay trong hệ thống thực thi. Ông Nên cho rằng cần tập hợp các vướng mắc, hạn chế và kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết đủ mạnh để tháo gỡ, những việc vượt thẩm quyền thì báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu 2 bộ ngồi lại làm việc với nhau để giải quyết, đồng thời lưu ý phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ mục đích, trong tuần sau phải xong. Bởi theo Thủ tướng, dự án này đã đưa vào nghị quyết của Bộ Chính trị, đã có quy hoạch rồi thì phải bàn giải pháp thực hiện. Đối với vướng mắc về thể chế, Thủ tướng nhìn nhận đây là khó khăn chung của cả nước, đồng thời gợi mở TP.HCM từ thực tiễn sinh động đóng góp cho Chính phủ hoàn thiện hơn. Riêng luật Đầu tư công, Thủ tướng cho biết hiện còn nhiều vướng mắc, Bộ KH-ĐT thống kê có 52 nhiệm vụ cần tháo gỡ, Chính phủ đang tập trung để trình Quốc hội sửa đổi vào kỳ họp cuối năm.

Gỡ vướng nhanh các dự án trọng điểm- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trường thi công Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất

TTXVN

Về việc thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng đánh giá những kết quả đạt được là cơ bản, nhất là tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thể chế, nguồn lực, tổ chức bộ máy. "Điều cần làm là quyết tâm phải cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, làm việc có trọng tâm, làm việc nào dứt việc đó, lấy đó làm động lực, niềm vui, cảm hứng để làm việc tiếp theo", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm.

PHẤN ĐẤU KHỞI CÔNG 3 CAO TỐC DỊP 30.4.2025

Tại hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, Bộ KH-ĐT cho biết sau hội nghị lần thứ 3 hồi tháng 5.2024, đến nay hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ: bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1), Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. Đối với các dự án liên vùng, hơn 90% diện tích mặt đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được rải đá dăm, dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30.4.2025. Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đạt khoảng 60% tiến độ, phần xây thô nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết dự án Vành đai 3 TP.HCM hiện có 3 vướng mắc: cát cho khối lượng xây lắp, giải phóng mặt bằng và tiến độ của một số hạng mục. Các địa phương có dự án đi qua sẽ họp bàn, cố gắng đến tháng 1.2026 thông xe kỹ thuật và hoàn thành vào quý 2/2026. Đối với dự án Vành đai 4 TP.HCM, hồ sơ dự án đã hoàn thiện, trong tháng 8.2024 sẽ trình Bộ GTVT thẩm định trước khi trình Chính phủ. Dự kiến, dự án này sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận quá trình phát triển của vùng Đông Nam bộ thời gian qua đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2024 chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây nguyên (3,86%). Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng ưu tiên giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng như trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.

Đặc biệt, Thủ tướng giao UBND TP.HCM chủ trì, trình các cơ chế, chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với dự án đường Vành đai 4 TP.HCM tại kỳ họp vào tháng 11.2024. Các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công dịp 30.4.2025.

Hạ tầng tốt làm nền tảng cho phát triển bền vững

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra tiến độ, thăm, động viên các nhà thầu và kỹ sư, công nhân thi công dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Gỡ vướng nhanh các dự án trọng điểm- Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về tình hình phát triển KT-XH của TP và việc thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội

NHẬT THỊNH

Báo cáo với Thủ tướng, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV, chủ đầu tư) cho biết đến nay giá trị sản lượng đạt 5.880 tỉ đồng (đạt 54,3% kế hoạch), tổng giá trị giải ngân 3.759 tỉ đồng (34,7%). Việc triển khai thi công dự án kiểm soát được tiến độ, không có khó khăn, vướng mắc.

Do khoảng cách giữa nhà ga T3 với nhà ga hiện hữu khá xa nên giải pháp kết nối sẽ bằng xe buýt điện, cứ 15 phút có một chuyến. Đến nay ACV đã họp với các hãng hàng không lớn trong nước như Vietnam Airlines và Vietjet để tổ chức khai thác hiệu quả toàn bộ nhà ga mới.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nêu thực trạng sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay cả 2 đường băng đều kẹt do khoảng cách giữa 2 đường băng hẹp, máy bay không thể hạ và cất cánh cùng một lúc. Không chỉ vậy, nhà ga cũng quá tải. Do vậy yêu cầu cấp bách là phải giảm tải, giảm ách tắc của nhà ga Tân Sơn Nhất.

Theo Thủ tướng, thời gian thi công không còn dài, trong khi khối lượng công việc còn khá lớn (khoảng 45,7%) và là phần công việc có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các nhà thầu, đơn vị thi công. Do đó, cần thiết phải chỉ đạo quyết liệt hơn, giám sát chặt chẽ hơn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh để bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư các hệ thống quản lý, giám sát thông minh, tự động để tạo thuận lợi cho người sử dụng và giảm nhân lực vận hành. Đầu tư các hệ thống sử dụng năng lượng xanh, thông minh như điện mặt trời mái nhà. Hoàn thiện sớm hệ thống cây xanh, cảnh quan sân vườn ngoài công trình, tại các sân đỗ, đường giao thông để đồng bộ khi đưa vào sử dụng.

Thủ tướng cảm ơn hàng ngàn công nhân ngày đêm lao động trên công trường. Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, đưa vào vận hành, khai thác dịp lễ 30.4.2025, Thủ tướng yêu cầu ACV tập trung nhân lực của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công. Phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục phát huy tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên tết để triển khai thi công công trình bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường. Không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng, Thủ tướng nêu ra một số kinh nghiệm. Theo đó, phải phát huy vai trò của người đứng đầu và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Làm tốt khâu giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu phải công khai, minh bạch, đúng quy định để phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát và không mất cán bộ. Các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng; phân công công việc phải rõ người, rõ việc… "Tôi thấy nhiều việc hiện nay đang chồng chéo, nhiều vướng mắc về pháp lý nên người lãnh đạo phải đôn đốc, kiểm tra, phải sát với tình hình để giải quyết ngay những vướng mắc", Thủ tướng chỉ đạo.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ thông xe gói thầu số 9 - dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; đồng thời phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến đường vào 31.12.2024, sẵn sàng phục vụ nhà ga T3 khi đưa vào khai thác.

Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa của dự án này và nêu rõ đây là một trong những công trình lớn của TP, cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Thủ tướng cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng, nơi ở cho dự án.

Thủ tướng yêu cầu TP rút kinh nghiệm để làm các dự án tiếp theo tốt hơn. Nếu làm được sẽ có hệ thống hạ tầng tốt làm nền tảng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Sắp tới, TP còn làm cao tốc, các trục đường vành đai hướng tâm, làm đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, đường sắt đô thị, đường sắt Bắc - Nam... Do đó, Chính phủ luôn đau đáu, luôn có trách nhiệm cao giúp TP hoàn thành. Trước mắt là tháo gỡ về pháp lý, đồng thời lãnh đạo TP cũng phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.