'Góc khuất' tranh chấp nhà chung cư

22/08/2019 10:25 GMT+7

Giữa hàng trăm cuộc tranh chấp nhà chung cư , ít ai dám chắc những tấm băng rôn căng lên chỉ vì quyền lợi của cộng đồng cư dân tại nhà chung cư đó.

Cư dân “đối đầu” Ban quản trị

Cuối năm 2016, Hội nghị nhà chung cư tại chung cư Văn Phú Victoria, phường Phú La, quận Hà Đông, lần đầu được tổ chức để bầu ra Ban quản trị với 5 thành viên. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau khi hoạt động, nhiều cư dân bức xúc cùng ký đơn “tố” chính Ban quản trị mình bầu ra, vì đã đi ngược với quyền lợi của cư dân tòa nhà.

Cư dân chung cư Văn Phú Victoria ở quận Hà Đông phải căng băng rôn phản đối Ban quản trị trước đó do chính mình bầu ra

Ảnh Lê Quân

Anh Tạ Hồng Phong, cư dân chung cư Văn Phú Victoria, cho biết sau khi có Ban quản trị, chủ đầu tư đã bàn giao hơn 41 tỉ đồng phí bảo trì. Nhưng, Ban quản trị không công khai việc quản lý, sử dụng số tiền này khiến nhiều cư dân bức xúc.
Bên cạnh đó, Ban quản trị còn không minh bạch số tiền nguồn thu từ khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà. Đồng thời, tự quyết lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không lấy ý kiến cư dân; không tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên theo quy định, không họp cư dân, nước sinh hoạt bẩn… Thậm chí, khi cư dân cử ra Ban giám sát để giám sát hoạt động của Ban quản trị cũng bị vô hiệu, do không được tiếp cận chứng từ thu chi…
Quá bức xúc, hơn 700 chủ sở hữu phải ký đơn đề nghị tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại Ban quản trị. Tuy nhiên, Trưởng Ban quản trị chung cư này không đồng ý, cho rằng nhiều chữ ký của cư dân giả mạo. Cuối tháng 3.2018, hàng trăm cư dân đã tập trung căng băng rôn yêu cầu công khai minh bạch công tác quản lý vận hành chung cư Văn Phú Victoria, cầu cứu cơ quan chức năng, bầu lại Ban quản trị do chính mình bỏ phiếu bầu ra trước đó.

Bỏ phiếu ào ào do thiếu thông tin về thành viên Ban Quản trị

Đến nay, cuộc “chiến” tranh chấp nhà chung cư tại chung cư Golden Land (Thanh Xuân, Hà Nội) đã lắng xuống khá lâu sau khi cư dân tìm được Ban quản trị mới. Tuy nhiên, nhiều cư dân thừa nhận, ngay từ đầu khi mới nhận bàn giao nhà về ở, lỗi một phần do bản thân chưa tìm hiểu kỹ về quy định pháp luật, cũng như vai trò, trách nhiệm của Ban quản trị, nên Hội nghị nhà chung cư lần đầu cứ bầu ào ào cho xong.
“Tâm lý chung thường nghĩ rằng Ban quản trị là tốt hơn chủ đầu tư, nhưng thực ra chưa chắc đúng. Quan trọng là năng lực quản trị, đạo đức của người nắm quyền quản trị tòa nhà. Đồng thời, cũng cần xem trọng vai trò của chủ đầu tư trong quá trình quản lý, vận hành chung cư, do đây là người hiểu về tòa nhà nhất, có thương hiệu gắn liền với sản phẩm”, anh Vũ Văn Tuấn (40 tuổi), một cư dân hiện đang sinh sống tại chung cư Golden Land, nêu quan điểm. 

Cư dân chung cư Star City tại Hà Nội căng băng rôn đòi phí bảo trì bị chủ đầu tư chiếm giữ

Ảnh Lê Quân

Theo anh Tuấn, có một bài học, đó là cư dân không mấy người hiểu biết về Ban quản trị nên trong Hội nghị nhà chung cư lần đầu cứ bỏ phiếu bầu ào ào cho xong. Ban quản trị sau khi được bầu, lập tức thay đơn vị quản lý, vận hành, dẫn đến dịch vụ xuống cấp trầm trọng. Nhiều cư dân ý kiến nhưng Ban quản trị không tiếp thu, thậm chí có những lời lẽ khiếm nhã.
Cư dân ở đây còn nghi ngờ Ban quản trị thiếu minh bạch trong thu chi quản lý, vận hành, bảo dưỡng tòa nhà. Quá bức xúc, nhiều cư dân phải rất vất vả tổ chức vận động tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường, lập ra Ban quản trị mới để khắc phục hậu quả Ban quản trị cũ để lại.
Một số chuyên gia cho rằng, tham gia đấu tranh ở nhà chung cư, bên cạnh những người tâm huyết thực sự, có thể có những người vì mục đích riêng, rất khó phân biệt. Bởi lẽ, họ thường đưa ra những hành động, nhận xét, đòi hỏi mang tính chất vì quyền lợi cư dân. Đa số người dân đều mong muốn yên ổn sinh sống nhưng đôi khi bị kích động, tâm lý a dua theo đám đông, nên bị lợi dụng.
Đại diện Hiệp hội quản lý và bảo trì tòa nhà nhìn nhận, trong những cuộc “chiến” tranh chấp nhà chung cư giành quyền lợi chính đáng cho cư dân, khách hàng, đâu đó vẫn có những người đấu tranh vì động cơ cá nhân. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản, cho biết có thực tế là tại những chung cư có xảy ra tranh chấp, căng băng rôn, giá nhà thường giảm, khó phát sinh giao dịch.
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, Hà Nội có khoảng 745 chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng. Còn ở TP.HCM là hơn 1.350 chung cư đã bàn giao cho người dân vào ở.
Tình trạng tranh chấp nhà chung cư giữa cư dân với chủ đầu tư, cư dân với Ban quản trị… xảy ra khá phổ biến ở cả trăm tòa nhà, nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM.
Tranh chấp phổ biến ở các nội dung liên quan đến sở hữu chung riêng, phí bảo trì, phí quản lý vận hành, chất lượng công trình… Thời điểm nổ ra tranh chấp thường vào giai đoạn chuẩn bị bàn giao nhà, hoặc mới đi vào vận hành một thời gian, hay thậm chí, đã sử dụng được vài năm. Không nhiều những tòa nhà đã đi vào hoạt động trên 5 năm nổ ra tranh chấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.