Theo truyền thuyết, ngày xưa chúa Nguyễn Hoàng vào Huế và thấy ngọn đồi Hà Khê nhô cạnh sông Hương như con rồng đang ngoảnh đầu nhìn lại. Người dân còn cho biết vào ban đêm thường có một bà già tóc bạc phơ mặc áo đỏ quần xanh nói với mọi người rằng đây là nơi tụ linh khí, nếu muốn bền long mạch thì vua chúa nên lập chùa ở đây. Vì vậy, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây một ngôi chùa hướng mặt ra sông Hương, đặt tên là Thiên Mụ, mở đầu cơ nghiệp lẫy lừng của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (từ sông Gianh - Quảng Bình trở vào nam).
Năm 1815, vua Gia Long dựng lại chùa, dựng thêm cổng tam quan, dựng lầu để bia và chuông lớn (từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu), điện Đại Hùng, điện Quan Âm…Năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện (nay chỉ còn nền đất và hệ móng), hai bên tháp là hai bi đình (nhà bia).
Tháp Phước Duyên và điện Đại Hùng là hai công trình kiến trúc chính. Tháp Phước Duyên hình bát giác, cao 21 m, có 7 tầng (nhỏ dần lên trên, có mái nhỏ chìa ra ở mỗi tầng). Ngôi điện chính Đại Hùng xây kiểu trùng thiềm điệp ốc (*), có tượng Phật bằng đồng và một chuông đồng đúc năm 1677, một hoành phi gỗ sơn son thếp vàng do chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.
Năm 1996, chùa Thiên Mụ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
(*): là kiểu kiến trúc điển hình của cung điện triều Nguyễn. Trùng thiềm (chồng diềm) là hai hoặc ba lớp mái chồng lên nhau. Điệp ốc là nhà trước nối nhà sau theo một trục xuyên tâm.
Bình luận (0)