Là một trong những công trình lâu đời nhất còn tồn tại ở TP.HCM, Dinh Thượng Thơ hoàn thành năm 1864 với chức năng là trụ sở Nha Nội vụ (Direction de L'Intérieur) - nơi Pháp điều hành, quản trị mọi mặt của Nam kỳ (trừ quân sự). Trước năm 1945, chức vụ đứng đầu các Bộ đều được gọi là Thượng Thư (Thơ) nên người dân còn gọi là Dinh Thượng Thơ. Năm 1875, công trình được xây mới theo thiết kế của KTS Alfred Foulhoux (1840-1892) và tồn tại đến ngày nay.
Điều thú vị nữa là dinh được xây trên đất của một trong những ngôi làng đầu tiên của người Việt trên đất Sài Gòn - làng Tân Khai. Đây cũng là nơi tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của người Việt ra đời cách đây gần 160 năm (1865) - tờ Gia Định báo.
Dinh Thượng Thơ có hai tầng hướng ra đường Lý Tự Trọng, mặt bằng hình chữ U. Công trình xây dựng theo kiểu Pháp nhưng có thay đổi để phù hợp khí hậu nhiệt đới (hành lang rộng bao quanh công trình tạo khoảng đệm, ngăn bức xạ trực tiếp, cửa lá sách cao giúp thông thoáng đối lưu không khí…).
Lối vào lát đá xanh. Cổng được sản xuất tại Pháp, đúc bằng gang, có nhiều họa tiết hoa văn và hai chữ D, I lồng vào nhau (hai chữ cái đầu của từ Direction de L'Intérieur). Hành lang xây gạch cuốn vòm, có hàng cột Ionic (*). Đặc biệt, trên mái còn hệ thống ống thoát hơi - chi tiết kiến trúc Pháp thời kỳ đầu tại miền Nam.
Là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa Sài Gòn, hiện Dinh Thượng Thơ là trụ sở của Sở TT-TT và Sở Công thương.
(*): Một trong ba thức cột Hy Lạp cổ đại, ra đời khoảng giữa thế kỷ thứ 6 TCN. Đặc điểm là mềm mại, giàu tính trang trí, có hai vòng cuốn xoắn ốc.
Bình luận (0)