Nằm trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội), lọt giữa những hàng cổ thụ xanh mát cách biệt hẳn với ồn ào bên ngoài, ĐH Đông Dương là cái nôi khoa học của nhiều nhà trí thức lớn của Việt Nam thế kỷ 20 như các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách; các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí…
Ở Hội trường Ngụy Như Kon Tum còn bức tranh tường gần 80 m² (7 x 11 m, đã được phục chế) với gần 200 nhân vật đại diện cho xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tác giả là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937).
Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký nghị định thành lập ĐH Đông Dương nhằm đào tạo nhân viên bản xứ cho chính quyền thuộc địa. Năm 1908, trường phải đóng cửa do không đủ sinh viên đáp ứng đầu vào. Đến năm 1917, ĐH Đông Dương hồi sinh (sau khi phát triển nền giáo dục cấp 2, cấp 3). Đến trước Thế chiến thứ 2, ĐH Đông Dương có 14 trường thành viên (trong đó, bằng tốt nghiệp Y khoa và Luật ngang với văn bằng các trường ĐH ở Pháp). Sau năm 1954, nơi này trở thành ĐH Tổng hợp Hà Nội và ĐH Y - Dược. Hiện nay là khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH Dược Hà Nội.
Bản thiết kế ĐH Đông Dương đầu tiên của KTS Charles Lacollonge và KTS Paul Sabrié mang dáng dấp kiến trúc Pháp thế kỷ 18 với mái vòm khổng lồ, tháp ánh sáng, tượng đối xứng hai bên lối vào… Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kiến trúc quy hoạch đô thị lúc đó là KTS Ernest Hébrard (1875 - 1933) đã thay đổi bản vẽ khá nhiều theo hướng kết hợp kiến trúc Á - Âu, gọi là "phong cách Đông Dương".
Cụ thể, mái vòm mặt ngoài được thay bằng lầu tứ giác vát góc với hai lớp mái và hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ; xây thêm cổng nhỏ ở cổng vòm lớn… Mái nhỏ trên các ô cửa tránh mưa hắt. Trần nhà cao, hành lang mở, thông gió tự nhiên rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới.
Bình luận (0)