Cuối thế kỷ 19 tại vị trí này, Pháp cho xây một tháp cấp nước cho dân trong vùng nhưng bị hạ giải năm 1921. Sau đó Pháp dựng tượng Đài chiến sĩ trận vong tưởng niệm binh lính hy sinh trong Thế chiến thứ nhất (với hai bức tượng người lính dưới chân cột và Nữ thần Chiến thắng trên đỉnh cột nên người dân gọi là Công trình Ba hình).
Theo Saigoneer và Tản Mạn Kiến Trúc, Công trường Quốc tế (người dân thường gọi là Hồ Con Rùa) do KTS Nguyễn Kỳ thiết kế và khánh thành năm 1969. Công trình có mặt bằng hình bát giác (gợi nhớ đến thành Bát Quái đầu thế kỷ 19 ở Sài Gòn). Đài trung tâm là năm cột bê tông cao 34 m mang tên Hoa Tự Do với năm cánh hoa (mỗi cánh hoa có thêm năm cánh nhỏ) mô phỏng đóa sen trồi lên từ mặt hồ hình bát giác (trên cùng là Nhụy Hoa Tự Do ốp đồng).
Dưới tháp có một lễ đài (trên đó có một đỉnh đồng lớn) và một tượng rùa bằng hợp kim đồng đội bia đá (theo Khổng Tử, Rùa là tứ linh, thuần hóa được Rùa là thu phục được lòng người). Đáng tiếc, tấm bia, tượng rùa, đỉnh đồng, nhụy hoa tự do nay đã không còn.
Hồ Con Rùa gắn liền với nhiều giai thoại, phổ biến nhất là chuyện ông thầy phong thủy người Hoa nói với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rằng, Dinh Độc Lập là đầu rồng, phải đúc con rùa lớn để trấn yểm đuôi rồng (tại vị trí Hồ Con Rùa) không cho quẫy thì chính quyền mới ổn định. Một số ý kiến cho rằng tháp giống thanh gươm đóng xuống hồ nước hình bát quái để giữ chặt đuôi rồng.
Bình luận (0)