Lăng Thiệu Trị là sự kế thừa từ kiến trúc của lăng Gia Long (ông nội) và lăng Minh Mạng (cha).
Công trình giống lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) ở khu lăng mộ và khu tẩm điện nằm biệt lập, song song nhau; giống lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) ở cách thức mai táng và xây dựng toại đạo (đường hầm).
Theo phong thủy, lăng ở vị trí "sơn chỉ thủy giao" (núi dừng nước giao). Đồi Vọng Cảnh bên này sông làm "rồng chầu" (tả thanh long), núi Ngọc Trản bên kia sông làm "hổ phục" (hữu bạch hổ). Núi Chằm phía trước (cách lăng 8 km) làm tiền án (bình phong phía trước chặn khí xấu). Sông Hương làm minh đường. Núi Kim Ngọc xa đằng sau làm hậu chẩm tựa sơn (chỗ dựa vững chắc). La thành bao bọc xung quanh (ngăn vượng khí thoát ra ngoài) không phải là tường thành mà là những cánh đồng, vườn cây.
Tại khoảnh sân chầu có hai hàng tượng đá (đại diện cho nghệ thuật tạc tượng nửa đầu thế kỷ 19 tại Huế). Khu vực điện thờ sử dụng nhiều pháp lam (đồ đồng tráng men để tăng giá trị thẩm mỹ).
Thiệu Trị (tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông) là hoàng đế thứ 3 của triều Nguyễn (con trưởng của vua Minh Mạng), trị vì từ năm 1841 đến năm 1847 thì băng hà ở tuổi 41. Là người bình dị, thương dân nên khi lâm chung vua Thiệu Trị yêu cầu xây lăng đơn giản, không hao phí tài lực của binh dân. Lăng do con ông là vua Tự Đức chủ trì việc xây cất, chỉ trong 10 tháng là hoàn thành.
Bình luận (0)