Cuối thế kỷ 19, người dân Hà Nội chủ yếu sử dụng nước từ ao hồ, giếng đào. Nhiều đợt dịch bệnh lớn đã xảy ra liên quan đến nguồn nước làm chết rất nhiều người Việt, Pháp (trong đó có Toàn quyền Trung - Bắc kỳ Paul Bert chết vì bệnh lị năm 1886). Năm 1894, người Pháp cho xây nhà máy nước Yên Phụ cùng tháp nước Hàng Đậu (đặt tên là Đài đầu, do nằm đầu thành phố) và tháp nước Đồn Thủy (Đài cuối, nằm ở cuối phố Đinh Công Tráng) cung cấp nước sạch chủ yếu cho lính Pháp và một phần cho người dân phố cổ.
Nằm tại nút giao của sáu phố cổ: Hàng Giấy, Hàng Than, Hàng Cót, Quán Thánh, Hàng Đậu và đường Phan Đình Phùng, tháp nước hình trụ tròn cao 25 m, đường kính 19 m, mái hình chóp nón (có cột thu lôi), dung tích là 1.250 m3. Công trình được xây bằng đá (phá từ thành Hà Nội). Trên thân đục 54 ô cửa nhỏ, có vòm cung, đường phân tầng để bớt cảm giác đơn điệu, nặng nề. Công trình có 5 van để kiểm soát lượng nước đến từng khu vực.
Tháp nước hoạt động đến những năm 1960 mới ngừng (do thay đổi công nghệ dẫn truyền nước sạch). Đến nay, đã hơn một thế kỷ nhưng đường ống thép dẫn nước tại công trình vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 2023, trong chương trình lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, bên trong tháp nước Hàng Đậu được sắp đặt nghệ thuật hình ảnh và thị giác, mở cửa miễn phí cho khách tham quan.
Bình luận (0)