Viêm môi vùng mép sẽ gây đau, không thuyên giảm dù dùng son dưỡng môi. Không những vậy, loại viêm môi này còn kèm theo các triệu chứng như khóe miệng bị nứt, viêm đỏ và chảy dịch, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Viêm môi vùng mép sẽ khiến khóe miệng bị nứt nẻ, đau rát và chảy dịch |
SHUTTERSTOCK |
Viêm môi vùng mép không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng lại gây khó chịu và cần phải điều trị. Nguyên nhân của bệnh thường là do tích tụ nước bọt ở khóe miệng, chẳng hạn như khi ngủ vào ban đêm, sau đó nước bọt bốc hơi và làm khô da.
Da ở khóe môi sẽ bị nứt. Nếu các loại vi khuẩn hoặc nấm tồn tại tự nhiên trong nước bọt và da xâm nhập vào các vết nứt này sẽ tạo ra phản ứng viêm và nhiễm trùng.
Những người mắc các bệnh mạn tính, rối loạn miễn dịch, hút thuốc sẽ có nguy cơ cao bị viêm môi vùng mép.
Điều trước tiên cần làm khi bị viêm môi vùng mép là điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài không hết thì cần đến bác sĩ kiểm tra.
Nguyên nhân thực sự gây viêm môi có thể do nhiễm nấm hoặc các loại vi khuẩn gây hại khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể điều trị viêm môi bằng thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cũng được khuyến cáo dùng kết hợp với các loại kem hoặc dầu dưỡng môi để ngăn môi bị khô, nhờ đó ngăn bệnh thêm nặng.
Khi viêm môi vùng mép đã khỏi, điều quan trọng là phải ngăn bệnh tái phát. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Cleveland Clinic Journal of Medicine phát hiện thiếu sắt có liên quan đến viêm môi góc cạnh. Vì thiếu sắt sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến bệnh dễ tái phát. Do đó, bổ sung sắt bằng các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau bina, bông cải xanh, gan và đậu là cần thiết.
Ngoài ra, mọi người cũng phải uống đủ nước để ngăn ngừa khô miệng, khô môi. Với những người cơ địa dễ bị khô da, khô môi thì hãy đến tham khảo bác sĩ để có biện pháp ứng phó phù hợp, theo Healthline.
Bình luận (0)