Tồn tại hơn 15 năm mà đến nay chương trình tiếng Anh tăng cường tại TP.HCM vẫn còn gọi là thử nghiệm. Càng vô lý hơn khi trong ngần ấy thời gian những người thực hiện chương trình này lại không tìm cách điều chỉnh những điều bất hợp lý, gây ra lãng phí lớn.
Chương trình đã có một giá trị nhất định trong bối cảnh 15 năm trước, khi việc học tiếng Anh ở VN chưa phát triển rầm rộ như hiện nay, chưa có chương trình dạy tiếng Anh chính thức ở bậc tiểu học... Chương trình ra đời đáp ứng được nhu cầu của đông đảo phụ huynh học sinh đến mức cứ mỗi đầu năm học, hàng ngàn học sinh mới vào lớp 1, chưa học chữ, đã phải rồng rắn đi thi đầu vào. Áp lực đến mức đã ra đời các lớp luyện thi chương trình tiếng Anh tăng cường, phụ huynh tận dụng hết những mối quan hệ để gửi gắm... Khi có nhiều ý kiến phê phán, từ năm học 2010 - 2011 lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã điều chỉnh bằng cách bỏ kỳ khảo sát đầu vào. Học sinh có nhu cầu học thì đăng ký, trường tổ chức từ học kỳ 2. Thế nhưng những điều chỉnh nhỏ này chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật, nhằm trấn an dư luận hơn là tìm hướng đi thích hợp, chiến lược bài bản, dài hơi cho một chương trình học được đông đảo phụ huynh quan tâm.
Thật ngạc nhiên trong hơn 10 năm qua, khi những học sinh đầu tiên tham gia chương trình này, sau 5 năm học tiếng Anh bình quân 8 tiết/tuần với cả giáo viên Tây lẫn ta, mất bao nhiêu tiền của và công sức, bước vào bậc THCS học tiếp với bộ sách giáo khoa dành cho người bắt đầu học tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. Điều này đã vô lý. Càng vô lý hơn khi những người có trách nhiệm lại cho rằng song song với sách giáo khoa của Bộ, học sinh còn học 4 - 5 tiết theo giáo trình dành riêng cho chương trình! Sao có thể chấp nhận cùng một học sinh mà lúc thì học kiến thức thấp dưới sức, khi thì học kiến thức được cho rằng đúng trình độ? Vậy mà điều này tồn tại chục năm nay mà chưa thấy có động thái nào nhằm thay đổi.
Giải thích điều vô lý này, những người có trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng không thể làm khác được vì chương trình và sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT ban hành, phải thực hiện đúng và đủ. Trả lời như thế không sai nhưng lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm và không có tầm nhìn dài hạn khi xây dựng một chương trình học ảnh hưởng đến hàng ngàn học sinh. Có cảm giác ngay từ đầu, những người xây dựng chương trình chỉ nhằm vào mục đích có được một chương trình tiếng Anh ở bậc tiểu học, chưa tính đến sự tiếp nối ở các bậc học trên cũng như những phát sinh như trùng lắp với chương trình bình thường của Bộ GD-ĐT... Đó là cái dở nhưng dở hơn nữa là khi thấy những phát sinh vô lý, không tìm cách cải tạo nó mà lại cứ đổ thừa do cơ chế.
Chính vì vậy mà thực tế hiện nay chương trình này chỉ phát triển rầm rộ ở bậc tiểu học, teo tóp dần ở các bậc học trên. Chính sự phân bổ của Sở GD-ĐT về trường lớp của chương trình này càng cho thấy điều đó. Trong khi bậc tiểu học và THCS quận nào cũng có nhiều trường tham gia chương trình này thì lên THPT thậm chí có quận không trường nào thực hiện. Ngoài ra, việc thực hiện chương trình cũng hết sức lộn xộn. Vì không có sự tiếp nối nên dẫn đến hiện tượng học sinh không học tiếng Anh tăng cường ở bậc tiểu học vẫn có thể vào lớp tăng cường ở bậc THCS. Thậm chí có trường theo quy định là có dạy tiếng Anh tăng cường, học sinh vẫn đóng tiền nhưng trường không thực hiện theo quy định, Sở cũng không biết!
Kể ra thì quá nhiều điều khó chấp nhận. Thay vì ngồi lại tìm cách giải quyết những điểm chưa hợp lý của một chương trình tiếng Anh thí điểm đã 15 năm, xem có nên tồn tại trong điều kiện thực tế hiện nay hay không thì những người có trách nhiệm lại tiếp tục đưa ra những chương trình thí điểm khác. Vậy nên lúc nào phụ huynh cũng bất an khi con em họ luôn là những lứa học sinh bị đem ra làm thí điểm.
Thùy Ngân
>> Học tiếng Anh tăng cường từ học kỳ 1
>> Từ tháng 12, đăng ký học chương trình tiếng Anh tăng cường
>> TP.HCM chưa thay giáo trình tiếng Anh tăng cường
>> “Đề thi” tiếng Anh tăng cường lớp 1
Bình luận (0)