Góc nhìn mới về chiến tranh qua Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

01/07/2023 00:19 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Một được bạn đọc biết đến qua nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi như Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng, Mùa trái chín…, đặc biệt với các tiểu thuyết như Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời… Một lần nữa, tên tuổi ông được khẳng định trên văn đàn.

Mới đây, nhà văn Nguyễn Một lại được độc giả chú ý với tác phẩm Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (do Công ty sách Liên Việt và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2023) khi tác giả khai thác về đề tài chiến tranh với góc nhìn rất mới mẻ, mang đậm dấu ấn riêng.

ÁM ẢNH CHIẾN TRANH

Trong tác phẩm mới, tác giả kể lại sinh hoạt tại đô thị miền Nam bằng nhiều tình tiết khác nhau. Qua đó, ta cũng thấy được tâm lý của con người lao động, những "thương phế binh" từng tham gia cuộc chiến.

Bên cạnh đó còn là những trang viết về phong trào Hippie , thông qua nhân vật Hùng Hippie… khiến ta thấy có nhiều tài liệu được đan xen vào tiểu thuyết.

Góc nhìn mới về chiến tranh qua Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín
 - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Một và tác phẩm mới Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

NVCC

Tâm trạng nhân vật Sơn khá tiêu biểu cho một số thanh niên thời ấy. Có thể nói, dưới ngòi bút của Nguyễn Một, không khí chiến tranh đã tác động đến nhiều số phận khác nhau. Thậm chí, ngay trong một nhà thì giữa cha và con cũng đã có tranh luận về quan điểm, do mỗi người có góc nhìn khác nhau về cuộc chiến.

Các tuyến nhân vật như Sơn, Diễm, Hùng, Trang, Thành… đã có những tình tiết đan cài vào nhau nhằm tạo ra "bức tranh" tâm trạng của những con người lớn lên trong thời chiến. Như trong lời tựa cuốn tiểu thuyết, nhà văn Tạ Duy Anh ghi nhận: "Với tác giả thì lịch sử không bao giờ vô can, mà luôn hiện diện, tham dự như một nhân vật phải chịu trách nhiệm trước công lý. Chẳng hạn có thể coi đây là một hoạt cảnh khá điển hình. Các nhân vật chính gồm ba người tử trận, cùng là anh em ruột trong một gia đình. Hai người chết vì "tận nghĩa với quốc gia", còn một người "hy sinh vì Tổ quốc". Họ sống chiến đấu cho các lý tưởng khác nhau. Nhưng họ chết thì tuyệt đối giống nhau: Đều bị bắn… ngay cả trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ".

Không có gì nghịch lý hơn khi cùng là anh em, lúc ở nhà đều "hiền như đất cục", vậy mà do chọn "thế đứng" nên tính cách, suy nghĩ cũng khác.

Bán 100 bản đặc biệt được 126 triệu đồng làm việc thiện

Nhà văn Nguyễn Một (Hội viên Hội Nhà văn VN) quê gốc Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là tác giả của gần 20 tựa sách với các thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Đặc biệt, truyện ngắn Trước mặt là dòng sông được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn VN 2010, được dịch và đưa vào thư viện quốc hội Mỹ dưới nhan đề Heaven and Earth in Tumult.

Công ty sách Liên Việt in 100 bản đặc biệt Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín bìa cứng đóng hộp, với 16 phụ bản tranh của họa sĩ Trần Thắng (bán giá 1,2 triệu đồng). Toàn bộ số tiền thu được nhà văn Nguyễn Một và Liên Việt ủng hộ cho trẻ em mái ấm GIUSE (Gia Lai).

Chỉ sau 8 tiếng ra thông báo, các bản đặc biệt đã được bán hết , với số tiền 126 triệu đồng, trong đó 2 bạn đã chuyển trực tiếp đến mái ấm 20 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ được nhà văn Nguyễn Một và Công ty sách Liên Việt dùng để mua lương thực và áo quần mới gửi tặng các bạn nhỏ.

Với nhiều tuyến nhân vật, thông qua số phận khác nhau, ta thấy mỗi người có sự lựa chọn để quyết định đời mình. Có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh và nhằm lý giải sự chiến thắng cuối cùng ở chỗ khi nhân vật Sơn - một trí thức trẻ nói với người yêu là Diễm: "Cha anh nói chắc chắn miền Bắc sẽ thắng vì lính ngoài đó họ giỏi lắm. Họ giáo dục cách nào không biết những người lính luôn sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng" (tr.129). Trong khi đó, bạn bè của Sơn trong này thì sống trong tâm trạng: "Ta hỏng Tú tài, ta hụt tình yêu, thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc…" (thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy). Đi là đi vào quân trường với tâm trạng bẽ bàng, ngao ngán.

Có thể độc giả trẻ tuổi hiện nay không biết đến chi tiết: "Khi Mỹ tăng cường đưa lính Mỹ vào cuộc chiến tranh ở VN, đó cũng là lúc phong trào Hippie đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng lan rộng trong xã hội Mỹ, đặc biệt là trong sinh viên. Cho nên có thể hiểu vì sao Hippie lại phát triển mạnh mẽ và lan ra ngoài biên giới nước Mỹ. Có người đánh giá phong trào Hippie là một phong trào phản chiến đúng đắn góp phần lớn vào việc buộc người Mỹ rút dần quân ở chiến trường miền Nam, dẫn đến ký kết Hiệp định hòa bình Paris" (tr.21).

ÔN CỐ TRI TÂN

Có thể nói, khi đọc Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một cũng là dịp chúng ta ôn lại lịch sử. Vì rằng, trải dài theo năm tháng, theo các tình tiết của nhân vật, tác giả vẫn không quên đề cập đến vấn đề thời sự như phong trào kinh tế mới… Nhiều tình tiết thời sự đã gắn chặt trong tiểu thuyết này, ví như chúng ta biết lúc ấy qua lời nhân vật Hoàng đã thuyết phục nhân vật Kiều - âu cũng là điều Nguyễn Một muốn gửi gắm: "Tuổi trẻ không đương đầu với khó khăn, không bỏ sức lực ra thì ai sẽ làm lành vết thương chi chít trên thân thể VN đau đớn này. Ngay cả hôm nay dù nơi mọi người sống trong không khí hòa bình thì còn bao nhiêu người lính chết trẻ ở chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc, bao nhiêu chàng trai tráng đang khoác màu áo xanh thanh niên xung phong đổ mồ hôi trên các nông trường" (tr.271). Suy nghĩ tích cực này đã góp phần dựng lại không khí sinh hoạt không chỉ của một thời. Sức hấp dẫn của "mảnh đất" thời chiến mong rằng qua cuốn sách mới sẽ được các nhà văn khác đồng hành với tác giả Nguyễn Một, tiếp tục khai thác nhiều hơn nữa, ở nhiều góc nhìn khác để có thêm nhiều tác phẩm hay như Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.