Góc nhìn pháp lý vụ người phụ nữ khóc vì bị móc túi trước cổng bệnh viện

14/02/2025 09:46 GMT+7

Theo luật sư, việc người phụ nữ thông qua livestream đưa ra thông tin 'giả mạo' để gây sự chú ý và kêu gọi quyên góp là một hình thức lợi dụng lòng thương người của cộng đồng để chiếm đoạt tài sản.

Ngày 13.2, Công an Q.1 (TP.HCM) đã làm rõ sự thật clip người phụ nữ ôm con khóc, cầu cứu cộng đồng mạng, nhà hảo tâm vì cho rằng bị dàn cảnh móc túi ở Bệnh viện Nhi đồng 2.

Qua xác minh, người phụ nữ tên H.T.X (38 tuổi, quê H.Đạ Huoai, Lâm Đồng), tuy nhiên thực tế người này không cư trú tại nơi có hộ khẩu này, đi đâu không rõ.

Làm việc với cơ quan công an, chị X. thừa nhận thông tin chia sẻ bị móc túi như clip là sai sự thật. Nguyên nhân dẫn đến hành động trên là do chị X. vô ý làm mất 9,5 triệu đồng trong lúc di chuyển từ Bến xe Miền Đông đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Mục đích chị X. đăng đoạn clip là muốn xin hỗ trợ, quyên góp từ cộng đồng mạng, nhà hảo tâm để có tiền khám bệnh cho con và mua vé xe về quê.

Số tiền mọi người quyên góp được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chị X. là 28,3 triệu đồng. Chị X. đã thanh toán viện phí 977.000 đồng, trả tiền xe ôm 150.000 đồng, tài khoản hiện còn 27,3 triệu đồng.

Chị X. đã tự nguyện xóa đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội. Vụ việc hiện đang được Công an Q.1 tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Góc nhìn pháp lý vụ người phụ nữ khóc vì bị móc túi trước cổng bệnh viện- Ảnh 1.

Mạng xã hội lan truyền clip một phụ nữ ôm con khóc và cầu cứu cộng đồng mạng vì cho rằng mình bị móc túi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Liên quan vụ việc trên, trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho biết căn cứ theo khoản 1 điều 8 luật An ninh mạng 2018, các hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi cung cấp thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị cấm.

Trong trường hợp này, hành vi của người phụ nữ livestream kêu gọi sự giúp đỡ, khi thông tin về việc bị móc túi là giả mạo, có thể gây thiệt hại cho những người tham gia quyên góp. Vì vậy, căn cứ theo quy định trên, hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội là hành vi vi phạm và bị cấm theo luật An ninh mạng.

Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, các hành vi lợi dụng mạng xã hội hoặc các trang thông tin điện tử để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi chia sẻ các thông tin giả mạo, xuyên tạc hoặc sai sự thật.

Cũng theo luật sư Hiệu, tại khoản 3 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 37 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu người vi phạm phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc thông tin gây nhầm lẫn, đồng thời yêu cầu các biện pháp để ngừng phát tán thông tin đó. Điều này giúp hạn chế tác động tiêu cực của thông tin sai lệch, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.

Sự thật clip người phụ nữ khóc, nói bị móc túi ở Bệnh viện Nhi Đồng 2

Có thể xử lý hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Luật sư Phùng Văn Hiệu cho rằng, trong vụ việc nêu trên, nếu người phụ nữ ngay từ đầu đã có những động cơ, mục đích cho câu chuyện của mình tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đó sử dụng thông tin sai sự thật nhằm lừa đảo người khác thì hành vi này có thể bị coi là hành vi gian dối trong việc thu hút sự quyên góp.

Việc người phụ nữ này thông qua livestream đưa ra thông tin "giả mạo" để gây sự chú ý và kêu gọi quyên góp là một hình thức lợi dụng lòng thương người của cộng đồng để chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền quyên góp từ những người tham gia là mục tiêu mà người phụ nữ hướng đến và chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng thì hành vi này có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Góc nhìn pháp lý vụ người phụ nữ khóc vì bị móc túi trước cổng bệnh viện- Ảnh 2.

Luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương

ẢNH: NVCC

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự 2015 tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 năm đến tù chung thân (mức hình phạt cao nhất).

"Người dùng mạng xã hội không nên chia sẻ thông tin chưa được xác minh, cần kiểm chứng tính chính xác trước khi chia sẻ, tránh tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo lan tỏa diện rộng gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư Hiệu nói và cho rằng người dân không tham gia quyên góp cho những trường hợp không rõ nguồn gốc, cần cẩn trọng khi tham gia các chiến dịch từ thiện trên mạng xã hội, đặc biệt là khi thông tin chưa được xác nhận chính thức từ các cơ quan chức năng hoặc tổ chức uy tín.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.