Góc nhìn phóng viên: Khó triệt bệnh dại?

09/10/2019 05:16 GMT+7

Theo Chương trình phòng chống bệnh dại - Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), năm 2018 cả nước có trên 520.000 người bị chó cắn, phải đi tiêm vắc xin kháng dại, trong đó có 103 người tử vong.

Với mỗi ca bị chó cắn, phải chi 1,5 - 2 triệu đồng tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng bệnh dại, tổn thất trực tiếp người bị chó cắn chi ra gần cả ngàn tỉ đồng.
Thực tế, số người bị chó cắn không đi tiêm phòng mà ở nhà chữa trị theo các biện pháp dân gian còn nhiều hơn con số thống kê. Vì vậy, ngày 9.1.2007 Chính phủ đã ban hành nghị định về phòng, chống bệnh dại ở động vật. Đây có thể nói là căn bệnh truyền nhiễm duy nhất được Chính phủ quy định trong hẳn một nghị định, tính đến thời điểm này.
Theo đó, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chính ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dại cho động vật; Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người, tổ chức điều trị dự phòng, khám, tư vấn về phòng, chống bệnh dại ở người…; UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý địa bàn, trong đó triển khai thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo...
Nghị định đã có hiệu lực được 12 năm, ấy vậy mà số người bị chó cắn và nhiễm vi rút bệnh dại vẫn chưa giảm mà còn có xu hướng tăng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nước ta hiện nay, có thể áp dụng 3 giải pháp chính ngăn ngừa bệnh dại. Thứ nhất là đừng để... chó cắn người; thứ hai, đảm bảo tiêm vắc xin phòng dại cho chó; thứ ba đảm bảo đủ vắc xin ngừa bệnh dại cho người.
Nhưng dù có thực hiện các giải pháp này mà một số người dân vẫn còn thiếu ý thức khi nuôi chó như thả rông chó không rọ mõm, không tiêm vắc xin phòng dại… cho chó;các cơ quan chức năng vẫn chưa áp dụng triệt để các quy định của pháp luật để xử lý vi phạm, thì việc phòng, chống bệnh dại ở động vật vẫn không thể hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.