Cháu Quyến được các nhân viên y tế xã Ba Ngạc chẩn đoán bị viêm phế quản nên cấp thuốc và kê đơn cho mẹ bé đưa cháu về nhà, nhưng đến chiều cùng ngày cháu bị hôn mê và được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, thì bác sĩ cơ sở khi nhận thấy tình trạng bệnh nặng của cháu đã khuyên người nhà chuyển lên tuyến trên, nhưng người nhà quyết định cho về nhà. Ông Hùng cho rằng nhân viên y tế cơ sở đã "thiếu cương quyết" trong trường hợp trên, nhưng nguyên nhân cái chết của cháu Quyến thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ở trường hợp của chị Trang, chị được chuyển vào viện trong buổi sáng 6.2 trong tình trạng vỡ ối non và sức khỏe bình thường. Sau đó bác sĩ đã cho mổ lấy thai, cháu bé lọt lòng, nặng 3,1 kg. Nhưng đến khoảng 10 giờ tối thì sản phụ có dấu hiệu mệt mỏi, da tái nhạt, đau khắp bụng. Đến 1 giờ 30 ngày 7.2 chị được chuyển ra Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong lúc 5 giờ 30 ngày 7.2.
Hai trường hợp tử vong của cháu Quyến và sản phụ Trang đều có liên quan đến cung cách làm việc của các trạm y tế cơ sở cấp xã và cấp huyện. Nếu như trường hợp thứ nhất chỉ là "thiếu cương quyết" trong việc chuyển lên tuyến trên thì ở trường hợp chị Trang "phía bệnh viện đã có thái độ không đúng mực" gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân như ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, thừa nhận. Thậm chí, về phía người nhà bệnh nhân còn cho rằng họ đã xin chuyển viện lên tuyến trên khi chị Trang đang nguy kịch nhưng bác sĩ không cho, dẫn đến hậu quả như đã biết.
Những cái chết oan uổng ấy rồi cũng dần đi vào quên lãng theo thời gian. Cơ quan chức năng và ngành y tế chỉ ra thông báo gửi các cơ sở trực thuộc kèm theo lời “răn đe” cũ kỹ: Hết sức rút kinh nghiệm! Người dân rất cần có câu trả lời rõ ràng và kết luận mang tính khoa học sau mỗi cái chết chứ không phải là những lời giải thích chung chung như thế.
Linh Phạm
Bình luận (0)