Góc nhìn và cơ hội cho sinh viên y dược trong lĩnh vực truyền thông y tế

22/02/2025 21:00 GMT+7

Talkshow Mảnh: Truyền thông Giáo dục sức khỏe vừa diễn ra tại Đại học Y Dược TP.HCM (ĐHYD), chia sẻ những góc nhìn và cơ hội mới cho sinh viên y dược trong lĩnh vực truyền thông y tế.

Chương trình thu hút hơn 500 bạn sinh viên tiếp cận với những kiến thức thực tiễn về truyền thông giáo dục sức khỏe, ươm mầm thế hệ KMOLs (Key Medical Opinion Leaders) tương lai - những chuyên gia y tế có khả năng lan tỏa tri thức và tạo ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.

Góc nhìn và cơ hội cho sinh viên y dược trong lĩnh vực truyền thông y tế - Ảnh 1.

Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương (giữa) và thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh (bìa phải) là thành viên ban Giám khảo và diễn giả khách mời của cuộc thi

Ảnh: BVCC

Truyền thông giáo dục sức khỏe cần cả nghệ thuật giao tiếp và kỹ năng tâm lý

Tại chương trình, thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm Truyền thông Bệnh viện ĐHYD chia sẻ: "Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ chữa lành bằng chuyên môn mà còn bằng những thông tin chính thống, lan tỏa tri thức đúng đắn để giúp cộng đồng hiểu và bảo vệ sức khỏe của chính mình. Để thực hiện hiệu quả, kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu truyền thông, đối tượng và phương thức truyền thông phù hợp. Bên cạnh, mỗi bạn sinh viên cần chủ động trau dồi cho mình chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu tâm lý công chúng mục tiêu, chỉn chu về hình thức và có khả năng ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại".

Cũng với vai trò diễn giả buổi trò chuyện, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện ĐHYD nhắc các đồng nghiệp tương lai về các kỹ năng chuyên môn lâm sàng khi khám chữa bệnh để phân tích và lồng ghép bí quyết lan tỏa thông tin sức khỏe. Với vai trò chuyên gia y tế có tầm ảnh hưởng trên truyền thông, đang phối hợp rất hiệu quả với trung tâm truyền thông của bệnh viện, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh chia sẻ: "Sự phát triển của công nghệ giúp mọi người có thể kết nối và tương tác với nhau ngày càng dễ dàng hơn, tức thời hơn, liên tục hơn. Do đó việc ứng dụng Facebook, Zalo, YouTube... để tạo dựng cách kênh truyền thông vừa ít chi phí, vừa dễ dàng thuận tiện là một xu hướng tất yếu. Là người có thông tin đúng, chúng ta phải có trách nhiệm chia sẻ nhưng khi tốc độ lan tỏa, lướt quá nhanh, chúng ta chỉ có 5 giây để thu hút sự chú ý của người xem. Chọn gì, ra sao để họ dừng lại nghe, xem thông tin của chúng ta, đó không chỉ là thách thức mà còn là kỹ năng cần được trau dồi".

Chương trình đã cung cấp cho sinh viên tổng quan về việc lập kế hoạch truyền thông y tế, từ việc xác định mục tiêu, phân tích đối tượng, lựa chọn kênh truyền thông, thiết kế nội dung, đến đo lường hiệu quả chiến dịch. Đây là những kỹ năng quan trọng, không chỉ giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, mà còn mở ra cơ hội tham gia vào truyền thông y tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Góc nhìn và cơ hội cho sinh viên y dược trong lĩnh vực truyền thông y tế - Ảnh 2.

Chương trình thu hút hơn 500 các bạn sinh viên y dược tiếp cận với những kiến thức thực tiễn về truyền thông giáo dục sức khỏe và ươm mầm thế hệ KMOLs

Ảnh: BVCC

Những câu hỏi từ thực tế

Một trong những điểm nhấn của talkshow được hai diễn giả đánh giá cao chính là sự chủ động, nghiêm túc và sáng tạo của các bạn sinh viên. Những câu hỏi cụ thể như Sinh viên có thể đóng góp vào truyền thông y tế như thế nào?" hay "Làm sao để lập một kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe hoàn chỉnh?; Khi nào cần tác động đến một đối tượng cụ thể?" đã phản ánh sự quan tâm của các sinh viên trẻ đối với truyền thông.

Cả hai diễn giả đều khuyến khích sinh viên hợp tác với Bệnh viện ĐHYD để tham gia xây dựng các sản phẩm truyền thông hữu ích cho người bệnh, từng bước góp phần vào sứ mệnh lan tỏa kiến thức y khoa chính thống đến cộng đồng.

"Nếu muốn phát triển và đóng góp cho truyền thông y tế, ngay từ khi ngồi ở giảng đường đại học, các bạn sinh viên cần có định hướng và đầu tư thời gian, tâm sức. Mong rằng các bạn sinh viên tham gia chương trình sẽ chính là những hạt giống mà trường - viện rất mong muốn được ươm mầm, chúng tôi luôn chào đón các bạn. Các bạn đừng ngại ngần, hãy bắt đầu với một việc cụ thể, hãy cởi mở với các bạn đồng lứa, cùng tiếng nói chung", thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương khuyến khích.

"Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, đã có 500 lượt đăng ký! Điều đó cho thấy các bạn sinh viên y dược rất quan tâm đến sức mạnh của truyền thông y tế. Gen Z càng là thế hệ hiểu rõ truyền thông không phải là xu hướng nhất thời của kỷ nguyên số, mà luôn cần khi muốn giáo dục nhận thức, nâng cao sức khỏe cộng đồng, một nhiệm vụ quan trọng của các bác sĩ, nhân viên y tế tương lai. Tham gia các hoạt động này cũng là cách học thực tế, nhanh và hiệu quả nhất. Các bạn sinh viên y dược càng hiểu rõ rằng truyền thông giáo dục sức khỏe không chỉ là một kỹ năng, mà còn là nhiệm vụ của các nhân viên y tế". Vũ Thị Phương Uyên, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi Xây dựng kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe Health Education Communication Skill (HECS) chia sẻ.

Chuỗi hội thảo "Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho các chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội (KMOLs)" do Bệnh viện ĐHYD phối hợp Đại học RMIT Việt Nam tổ chức năm 2024 và nhiều hoạt động tiếp nối trong năm 2025. Chuỗi hội thảo KMOLs hiện đã tạo được một cộng đồng chuyên gia y tế có ảnh hưởng đến xã hội trên 600 thành viên, thường xuyên chia sẻ cách triển khai chương trình giáo dục sức khỏe lồng ghép trong các chương trình truyền thông, giúp các thành viên tự tin hơn với các kỹ năng chuyên môn y tế của bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.