Trưa thứ sáu (15.9.2023), rất tình cờ, tôi được ngồi với những nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh: đạo diễn Đào Bá Sơn, đạo diễn Trần Văn Hưng, đạo diễn Lâm Quang Tèo, đạo diễn Phương Điền, họa sĩ thiết kế sân khấu Lê Anh Triều và nhiếp ảnh gia Huỳnh Lãnh (Kiên Giang)… Trong câu chuyện rôm rả, mọi người chạnh nhớ và nhắc đến soạn giả Lê Duy Hạnh - người anh cả trong lĩnh vực sân khấu kịch và cải lương miền Nam sau giai đoạn 1975, vừa ra đi...
Bỗng đạo diễn Trần Văn Hưng trỏ vào tôi, nói: "Có chuyện này ly kỳ nè…". Rồi anh kể: "Sau khi nghệ sĩ Lê Duy Hạnh từ trần, gia đình đã bàn bạc và thống nhất phương án sẽ hỏa táng thi hài ông tại Bình Hưng Hòa (đã có ghi rõ trên bảng cáo phó) rồi đem tro cốt về gửi trong chùa. Tuy nhiên sau đó, NSƯT Thanh Thúy (Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) nhận thấy những công lao, suốt đời tâm huyết với nghệ thuật sân khấu TP.HCM của ông, thì một tang lễ "đơn sơ, đạm bạc" như thế chưa thật xứng tầm, cho nên Thanh Thúy đã có những tác động và các lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã quyết định để ông được an táng trong nghĩa trang thành phố... Dĩ nhiên, gia đình cố soạn giả Lê Duy Hạnh rất mừng về quyết định này.
Điều đáng nói, đây là trường hợp đột xuất, cho nên huyệt mộ của cố soạn giả cũng được chỉ định một cách ngẫu nhiên. Vậy mà, thật tình cờ, ngôi huyệt của ông lại được nằm dưới một gốc phượng cành lá xum xuê. Lạ lùng hơn nữa, thân trên của cây phượng này là một cây bồ đề tươi tốt (sống cộng sinh, dạng tầm gửi). Tôi không phải là một tín đồ Phật giáo, nhưng theo cách hiểu của tôi thì hình tượng cây bồ đề luôn gắn bó xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của đạo Phật. Ở trường hợp này, phải có "căn duyên" mới được phước phần núp bóng bồ đề.
Mọi người nghĩ thế, riêng với đạo diễn Trần Văn Hưng - người đàn em thân thiết của soạn giả Lê Duy Hạnh thì ngoài những chuyện này, vẫn còn một điều khiến anh luôn chiêm nghiệm và tâm đắc. Đó là, dù không chủ ý chọn trước – mộ phần của ông Lê Duy Hạnh vẫn được nằm dưới một gốc phượng tỏa tán lá xum xuê như đang chở che. Và đạo diễn Trần Văn Hưng chợt nhớ đến bài ca cổ - một trong những tác phẩm đầu tay của Lê Duy Hạnh, bài Hoa phượng đợi chờ, bài ca cổ nổi tiếng của ông mà cho đến hôm nay, mỗi khi TP.HCM và các tỉnh thành khác tổ chức tuyển chọn giọng ca cải lương, rất nhiều thí sinh đã chọn bài ca cổ này để thể hiện…
Có vẻ như, qua bao năm tháng, qua bao lớp người quá vãng thì lô đất đắc địa này vẫn chờ đợi chủ nhân của Hoa phượng đợi chờ về đây yên nghỉ (một sự tình cờ nhưng như đã được định trước). Và chúng tôi, những người có mặt trong buổi "tưởng niệm" cố soạn giả Lê Duy Hạnh hôm ấy đã nhất trí chọn chữ "Gốc phượng đợi chờ" thay cho cái tựa bài ca cổ Hoa phượng đợi chờ bởi tính xác thực và cụ thể của trường hợp này.
Một nén tâm nhang bái vọng về anh: cố soạn giả Lê Duy Hạnh. Yên nghỉ anh nhé!
Bình luận (0)