Trả lời: Chào bạn!
Chế độ ăn uống rất quan trọng trong bệnh đái tháo đường vì nó là một phần trong quá trình điều trị bệnh, giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng.
Mục tiêu của dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường là:
- Giúp ổn định đường huyết: không làm tăng đường máu nhiều sau ăn và cũng không làm hạ nhanh đường máu lúc xa bữa ăn.
- Không làm tăng các yếu tố nguy cơ gây biến chứng như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận.
- Phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, thói quen ăn uống và điều kiện kinh tế của người bệnh, giúp duy trì cân nặng hợp lý.
- Đảm bảo ăn đa dạng (ít nhất 15 - 20 loại thực phẩm/ngày) và ăn cân đối giữa các chất đạm, béo, bột đường, vitamin và muối khoáng.
Muốn đường huyết ổn định và kiểm soát biến chứng, bạn cần:
Không ăn bữa ăn lớn mà nên chia nhỏ thành 4 - 6 bữa ăn nhỏ trong ngày.
- Nên ăn điều độ, đúng giờ với một lượng bột đường ổn định và phù hợp, không được bỏ bữa, kể cả lúc bạn bị bệnh nặng hoặc không muốn ăn.
- Chọn thực phẩm gây tăng đường huyết chậm (có chỉ số đường huyết thấp) và có nhiều chất xơ như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nâu đen, đậu đỗ nguyên hạt, rau củ quả ít tinh bột, trái cây tươi ít ngọt và nên ăn chậm nhai kỹ.
- Giảm thức ăn gây tăng nhanh đường huyết (có chỉ số đường huyết cao) như cơm gạo trắng, bánh mì trắng, xôi nếp, các loại đồ ngọt như bánh kẹo, mứt, nước ngọt, kem, chè, sô cô la, trái cây ngọt, trái cây khô, sữa đặc có đường…
- Giảm thức ăn nhiều béo như da, mỡ, bơ, phủ tạng, đồ chiên xào quay, nước cốt dừa... Nên chọn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ, sữa dành cho người đái tháo đường hoặc sữa không đường, ít béo.
- Không ăn mặn, không rượu, bia, thuốc lá.
Góc Tư vấn dinh dưỡng đồng hành cùng độc giả Báo Thanh Niên định kỳ vào thứ năm hằng tuần.
Bạn đọc có thể gửi thắc mắc của mình vào hộp thư: [email protected] để được các chuyên gia tư vấn, giải đáp.
|
Bình luận (0)