Góc văn hóa Nam bộ độc đáo của nghệ sĩ Trung Dân

15/04/2020 11:45 GMT+7

Trung Dân nổi tiếng với khả năng diễn kịch hài rất đằm thắm nhưng vô cùng thâm thúy. Mới đây ông thực hiện một chương trình mà ông coi đó là góc hoài niệm của mình về những nét văn hóa đặc sắc của Nam bộ.

Trung Dân gắn bó với mảnh đất Nam bộ, lúc nào cũng tự xem mình là một nông dân chính hiệu. Và khi tóc đã chớm bạc, ông bỗng lo sợ một ngày nào đó mình sẽ quên đi những nét văn hóa mà vùng đất này đã lưu giữ, nhưng có cái đã gần như biến mất. Ông vội vã ghi lại chúng bằng một cách thức độc đáo, phù hợp với thời hiện đại. Đó là kể chuyện trên kênh YouTube của mình. Một lối kể chuyện vừa giản dị, sinh động đúng với chất nông dân, nhưng lại không thiếu chất văn chương và đúc kết ý nghĩa sâu sắc, nhân văn. Mỗi clip chỉ hơn 20 phút, hấp dẫn và gần gũi.
Đất thở là câu chuyện cây chuối đẻ con trong đêm khuya. Thật sự rất hiếm người gốc quê đã có may mắn như Trung Dân chứng kiến giây phút "lâm bồn" của một loài thực vật quá quen thuộc là cây chuối. Người nghệ sĩ trong một đêm đi quay phim ở tỉnh xa, mắc võng trong vườn tạm nghỉ, ngờ đâu gặp được duyên may chứng kiến điều kỳ diệu của tạo hóa, ngỡ ngàng chạm vào khoảnh khắc thiêng liêng của sự sinh tồn, rưng rưng trân trọng những phúc ân mà trời đất ban cho muôn loài. Rồi cũng trong đêm đó, ông thức luôn để bước ra cánh đồng nhìn thấy những hạt lúa nẩy mầm, rì rầm tách vỏ, đội đất nhú lên, trải một màu xanh mơ màng như sương khói khắp mặt đất hiền hòa. Và tiếng đất thở như căng lồng ngực, trào ra những hơi ấm diệu kỳ ôm lấy mọi sinh linh.
Góc văn hoá độc đáo của nghệ sĩ Trung Dân1

NSUT Út Bạch Lan và Trung Dân, Hồng Thắm trong vở Kim Vân Kiều của đạo diễn Hoa Hạ

Ảnh: H.K

Đôi cánh côn trùng kể những ngày thơ ấu đi bắt dế, bắt bọ rùa về nuôi. “Cậu bé” Trung Dân đã quan sát con bọ rùa cánh hoa tuyệt đẹp loay hoay trong bốn bức tường thủy tinh mà ngóng nhìn trời xanh thăm thẳm. Rồi một ngày cậu bé quyết định thả con bọ về trời, nó bay vút lên, và chết. Cái chết đã theo cậu bé đến khi tóc bạc, và Trung Dân nhận ra rằng con bọ đã chết một cách hạnh phúc giữa bầu trời tự do, và hình như tự do nào cũng có giá phải trả.
Mùa trái cây quê tôi là câu chuyện cây măng cụt, cây sầu riêng truyền từ đời ông ngoại, đến đời má, rồi đời của Trung Dân. Những mùa trái chín, những tiếng sầu rụng, những cách hái măng… để lại bao thương nhớ xa xôi… Cho đến một ngày đất đai bị thu hẹp, phố xá mọc lên, ông nghệ sĩ già đành đứt ruột chia tay cái cây của ngoại… Đau như đánh mất một phần thân thể, bồi hồi như đánh rơi cả tuổi thơ trong veo…
Trung Dân không chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, mà ông còn nghe và nhìn bằng cả trái tim yêu thương đất mẹ, bằng cả đầu óc giàu tưởng tượng của một nghệ sĩ, bằng những hiểu biết phong phú, từng trải của một đời mê sưu tầm, nghiên cứu. Và ông kể lại bằng giọng văn hấp dẫn của mình, cung cấp kiến thức cho khán giả, lẫn cung cấp niềm vui, hoài niệm, tự hào. Thì ra ta có một vùng quê đẹp đến như vậy, ngồn ngộn sức sống như vậy. Nghe ông kể chuyện, thêm yêu đất, yêu người, nâng niu từng nét vẽ của tạo hóa.
Trung Dân nói khi làm kênh này ông không hề nghĩ tới chuyện view hay like bao nhiêu, mà ông chỉ như xây một ngôi nhà nhỏ để lưu giữ kỷ niệm cho riêng mình. Và ông sẽ ra clip hằng tuần vì bây giờ đã có nhiều khán giả bắt đầu thúc giục. Sắp tới sẽ là chuyện của cây tràm Bảy Núi, chuyện con cá lóc bông, chuyện hũ mắm, con nhan… Cây tràm không chỉ là cây tràm mà còn là chứng nhân lịch sử. Con cá không chỉ là con cá, mà có tình mẫu tử ngọt ngào. Con nhan giống con sóc, nhưng giờ đây mấy người biết tới. Trung Dân sẽ khai quật một kho tàng văn hóa tuyệt vời trầm tích nơi mảnh đất Nam bộ yêu thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.