Chị Đều, một người có tay nghề làm gỏi cá hơn 20 năm ở Quy Nhơn (Bình Định), đong đưa câu ca trên khi bắt tay vào làm gỏi cá mai. Chị bảo, đây là một trong những món cá thông dụng và nổi tiếng của vùng này. Cá mai có hình dạng tương tự cá cơm, nhưng có vảy và mỏng hơn. Thịt cá mai có vị ngọt, giòn, không tanh nên rất thích hợp làm gỏi. Tùy theo kích cỡ cá mà người làm rút xương. Nếu cá lớn bằng hai ngón tay thì phải rút hết xương, nếu nhỏ hơn thì chỉ cần rút nửa xương phía bụng, để lại chút xương đuôi nhấm nháp.
|
Cá phải thật tươi, từng thớ thịt còn óng ánh màu biển thì mới đạt “chuẩn” đầu tiên để có món gỏi ngon. Cái khéo nhất của người làm cá mai được trổ ra ở công đoạn rút xương cá. Con cá chỉ lớn hơn đầu đũa chút đỉnh phải được bóc tách bằng tay thế nào để khi ăn không có cảm giác bị dập, nát. Sau khi bỏ đầu, ruột, đánh vảy, rút xương, cá được ngâm vào thau nước đá lạnh pha muối hột để thớ thịt thêm săn chắc, đậm đà.
Phần chuẩn bị gia vị, nước chấm, rau ăn kèm cũng khá tỉ mỉ. Thông thường, gỏi cá mai có 2 chén nước chấm: xì dầu pha sả ớt và tương. Khó nhất là chế biến nước tương với đậu phộng rang xay nhuyễn đun riu lửa với cà chua, ớt trái lớn, gia vị. Độ ngon của nước tương ăn cá mai gói gọn trong hai chữ: “vừa đủ”. Vừa đủ vị béo của đậu phộng, chua chua của cà chua, cay cay của ớt, ngọt của đường, mặn của mắm muối. Ớt, tỏi, sả, riềng được xay mịn, trộn đều thấm ướp vào từng con cá tỏa mùi thơm ngát.
Món gỏi sẽ chông chênh nếu thiếu đĩa rau ngồn ngộn màu sắc với bông chuối chát, chuối chát non, khế chua, xoài sống, cà chua xanh, rau thơm, dưa leo, đọt lộc vừng, lá giang đất... Thưởng thức bằng cách lấy bánh tráng sống, chín, gắp đũa rau, miếng cá đã trộn chanh, gia vị... cuốn lại chấm xì dầu hoặc tương đã pha chế.
Trần Thị Duyên
Bình luận (0)