Đó là ý kiến thẳng thắn của TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI) và Bộ Công thương tổ chức ngày 14.2 tại Hà Nội.
TS Phạm Thế Anh cho rằng, qua nghiên cứu thực tế vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ "sáng tạo" của Việt Nam nhưng đi ngược với thế giới. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá thì không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ có xu hướng trích lập khi kỳ điều hành trước giá thế giới giảm và ngược lại. Nhưng trên thực tế có thời điểm trích lập quỹ ngay cả khi giá xăng dầu tăng và chi quỹ khi giá giảm.
"Năm 2022, có thời điểm giá xăng lên đến 29.000 - 30.000 đồng/lít thì vẫn trích lập quỹ ở mức cao còn hiện nay giá xăng thế giới giảm thì lại tiếp tục chi quỹ thì không đảm bảo nguyên tắc bình ổn giá xăng dầu", ông Anh nêu dẫn chứng.
TS Phạm Thế Anh cũng khẳng định, qua khảo sát trong 3 năm gần đây thì thấy, mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.
Còn đối với vấn đề tái phân phối thu nhập, giá xăng E5RON92 có số lần chi quỹ nhiều hơn hẳn so với số lần trích lập, cụ thể có 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập. Dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập. Xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập. Dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.
"Qua thống kê này cho thấy, vấn đề tái phân phối thu nhập trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm gia tăng bất bình đẳng, khi người sử dụng dầu đang phải "trợ giá" cho những người dùng xăng", ông Anh nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký VCCI, cho rằng từ nghiên cứu của TS Phạm Thế Anh và phân tích thị trường, xét về cả lý thuyết lẫn thực tiễn, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá xăng dầu như mong muốn của Nhà nước. Theo đó, trong văn bản góp ý dự thảo nghị định gửi Chính phủ, VCCI cũng đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bình luận (0)