Gọi tên Christophe, người đã xa xôi...

18/04/2020 06:59 GMT+7

Những dòng trạng thái buồn thương cùng trích dẫn lời hát từ ca khúc gắn với người nghe nhiều thế hệ mà danh ca Pháp Christophe đã viết, hát và để lại... được người mộ điệu chia sẻ thật nhiều trên mạng xã hội hôm qua, khi hay tin ông qua đời.

Từ Pháp, ca sĩ Đồng Lan (người từng gặp gỡ, hát cùng Christophe trong chương trình của ông tại Việt Nam và đến thăm studio của ông tại Pháp) gửi những tin nhắn không liền mạch: “Paris sáng nay trời xám tối, không xanh biếc giống mọi ngày..., bạn bè nhắn tin chia buồn và em không hiểu cảm giác lúc này là gì, một cảm giác không ranh giới...”.

Những lời màu xanh

Đồng Lan cho biết, từ khi đọc tin Christophe bị ốm phải nhập viện cuối tháng 3, cô đã viết bài hát cho ông: Paris - Paradis Bleu. Lời Việt của bản nhạc này, như Đồng Lan gửi: “Paris nơi tôi đi tìm những hợp âm cho bài hát châu Á của tôi. Cuộc sống với những ngày và đêm được gói trong một chiếc giường hẹp... Paris tôi đi tìm Christophe của tôi để nói rằng thiên đường đã tìm thấy. Tôi mở cánh cửa sổ phía đường phố, một bà lão đang bán những bông hoa màu xanh... phập phồng những lời màu xanh...”.
Tứ “những lời màu xanh” này, theo Đồng Lan, vì Christophe có một bài rất hay mà nhiều người Pháp thường thích hát - Les mots bleu - Những dòng chữ màu xanh… Cuộc trò chuyện với tôi ngắt quãng, cô để lại dòng tin: “Em sẽ đi pha ly trà hoa hồng mật ong, ra ban công, mở nhạc ông và viết gì đó. Thường khi đón nhận những tin như thế này, cơ thể em chưa chịu chấp nhận..., nhưng em biết nó sẽ “ăn mòn” tâm trí mình những ngày sau”.
Có thể hiểu được ít nhiều tâm trạng của Đồng Lan, bởi cô đâu chỉ từng đứng chung sân khấu với ông (cùng ca sĩ Elvis Phương, Mỹ Linh, trong concert Christophe thuộc khuôn khổ các hoạt động văn hóa kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt hồi 2013), hay gặp lại ông trong quán ăn của người Việt tại Paris, mà sau đó mỗi dịp đến Pháp biểu diễn cô thường cùng bạn bè văn nghệ gặp gỡ và ăn tối cùng Christophe. Đồng Lan cho biết, khi đã thân quý nhau hơn, ông đã mời cô đến thăm nhà và studio của ông (khoảng năm 2016). Sau đó ông viết mail đề nghị cô thu thử một ca khúc cho dự án album song ca của ông, bài Les mots bleu. Cô đã gửi bản thu nháp cho ông và khi hồi âm, ông khen cô hát bằng tiếng Pháp biểu đạt cảm xúc rất rõ, ông thích giọng hát của cô... Tuy nhiên, dự án này không thành, và ông hẹn Đồng Lan một dịp khác. Đến khi sang Pháp du học, Đồng Lan kể: “Ông bảo qua Paris nếu không có chỗ ở có thể tới nhà ông ở, ông vẫn hay đón tiếp bạn bè từ khắp nơi như vậy”.
Không chỉ vậy, với Đồng Lan: “Âm nhạc của Christophe là một trong những giai điệu đầu tiên đưa tôi đến con đường nhạc Pháp”, vì Aline - ca khúc đưa tên tuổi Christophe đến với thế giới cũng chính là bài hát mà Đồng Lan biểu diễn hầu khắp các phòng trà Hà Nội khi cô chưa bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Và rồi, cũng từ nhạc của ông, từ cái duyên nhạc Pháp, cô được gặp ông, được ông thương quý... Cô bảo: “Chính con người tử tế của ông đã đưa tôi tới gần hơn trái tim nước Pháp”.

Dấu ấn Christophe trong làng nhạc Việt

Theo ghi chép của nhạc sĩ Phạm Duy, trong tư liệu từ Ngàn lời ca khác (ghi lại những lời ca do ông soạn cho nhạc quốc tế): “Ðầu thập niên 1970 là lúc băng cassette được phổ biến mạnh mẽ và các nhà sản xuất đua nhau phát hành những băng nhạc có chương trình nhạc trẻ. Ngoài nhạc Mỹ ra, nhạc Pháp cũng được mọi người ưa thích. Tôi soạn lời ca tiếng Việt cho nhiều bài hát về tình yêu của nhạc Pháp và với giọng hát nhanh nhẹn của Thanh Lan, những bài hát đó đã gây được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong giới trẻ”. Trong ghi chép này, ông khen: “Elvis Phương cũng hát tiếng Pháp giỏi”, kèm bản thu âm Aline - Gọi tên người yêu mà ông viết lời Việt do nam danh ca này thể hiện.
Ca sĩ Elvis Phương bùi ngùi nhớ lại, lúc mới vào nghề, Christophe là một trong những ca sĩ mà anh chọn bài “hit” để khởi nghiệp. Anh cũng là người thu bản tiếng Việt đầu tiên của Aline. Sau đó anh còn hát những sáng tác của Christophe với lời Việt của nhạc sĩ Nam Lộc (Cho quên thú đau thương), Vũ Xuân Hùng (Biệt khúc, Ái ân lần đầu)... Từ Christophe và một số ca sĩ Pháp khác lúc bấy giờ, anh đã học và tạo cho mình dấu ấn riêng khi hát nhạc Pháp qua cách ngân nga, nhấn nhá để biểu lộ cảm xúc.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết: “Từ khoảng năm 1965 - 1975, những nhạc phẩm giàu chất thơ, lãng mạn của Christophe gần như đã bao trùm Việt Nam và được giới trẻ Việt Nam lúc bấy giờ rất yêu thích, dù thời đó nhạc Pháp có nhiều tác giả”. Trong những băng Tình ca nhạc trẻ do anh thực hiện thời ấy, nhiều sáng tác của Christophe mà anh viết lời Việt đã đưa tiếng hát của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín (với Biệt khúc), Pauline Ngọc (Cô bé dễ thương)... đến gần với công chúng. Không chỉ vậy, theo nhạc sĩ: “Sự lãng mạn trong âm nhạc của Christophe, cũng như của nhạc Pháp nói chung, đã ảnh hưởng rất nhiều đến các sáng tác của nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn này”.
Christophe qua đời hôm 16.4 (giờ địa phương) sau khi được gia đình đưa vào bệnh viện tại thành phố Brest (tỉnh Finistère, Pháp) do bị một số triệu chứng về phổi, đại diện gia đình ông nói với Hãng tin AFP. Trước đó, ông đã phải nhập viện vào ngày 26.3 tại Paris do suy hô hấp. Theo lời vợ ông, bà Véronique Bevilacqua, danh ca qua đời vì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, và bà cũng không xác nhận với báo giới Christophe chết do Covid-19 dù một số tờ báo đưa tin ông dương tính với SARS-CoV-2.
Christophe tên thật là Daniel Bevilacqua, sinh ngày 13.10.1945 tại vùng Juvisy-sur-Orge, ngoại ô Paris. Sau đĩa đơn đầu tiên không thành công vào năm 1963, chàng trai trẻ Christophe đã thành công nhờ bản hit Aline vào mùa hè năm 1965. Sau đó là hàng loạt ca khúc làm nên tên tuổi Christophe như Les Marionnettes, Les mots bleus, Maman, Je ne t’aime plus, Main dans la main, Mal, Oh! mon amour… Năm 1996, ông trở lại với album Bevilacqua. Đây là một thể nghiệm nhạc điện tử, đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong tư duy âm thanh và sáng tác.
Đỗ Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.