Trường tiểu học Sơn Lâm, Hà Tĩnh nơi xảy ra sự việc nhà trường bêu tên học sinh chưa đóng bảo hiểm |
TÂN KỲ |
Môi trường giáo dục rất quan trọng, một lời nói của thầy, cô giáo có thể cứu giúp, thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ. Vậy cách nhắc nhở, kỷ luật như thế nào trong nhà trường là nhân văn, tích cực?
Những kỷ niệm hãi hùng
Phụ huynh Phan Hà Bình ở TP.HCM cho hay phụ huynh cầm dao vào trường trong vụ việc ở Hà Tĩnh là sai rõ ràng, không bàn cãi, nhưng người có trách nhiệm cũng chính là thầy hiệu trưởng khi nêu tên học sinh cuối giờ chào cờ vì các em chưa đóng bảo hiểm. Thầy cần phải xin lỗi chính các học trò của mình, trước toàn trường, để không để lại vết sẹo trong lòng đứa trẻ.
Phụ huynh này chia sẻ trong ký ức của rất nhiều người trải qua thời học sinh, một trong những kỷ niệm khó mà quên được đó là bị bêu tên trước toàn trường trong giờ chào cờ khi mắc lỗi gì đó. Nhiều người còn bị mời đứng dưới cờ, đứng cúi đầu trước hàng trăm học sinh toàn trường, đó chính là kiểu kỷ luật “man di mọi rợ”. Hình thức này không nên được tồn tại trong môi trường giáo dục hiện đại.
“Cách kỷ luật học sinh như bêu tên trước tập thể, đọc tên dưới cờ chỉ làm tổn thương những đứa trẻ yếu đuối, hoặc khiến học sinh lì sẽ lì thêm chứ khó mà ngoan hơn. Chỉ có ngọt nhạt khuyên nhủ đúng, thầy cô thực sự thương và làm gương thì học sinh mới ngoan bền vững”, phụ huynh Phan Hà Bình chia sẻ.
Khen, chê cũng cần tế nhị, và quan tâm đến cảm xúc của các em
Thầy Bùi Nhật Vũ, Hiệu phó Trường THPT Tân Châu (thị xã Tân Châu, An Giang), chia sẻ cách “khen, chê” của người thầy cũng cần tinh tế, quan tâm đến cảm xúc của các học trò, tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh của từng em, tránh làm tổn thương các em.
Thầy Vũ cho hay, những năm qua nhà trường theo quan điểm “khen tập thể, chê cá nhân”, tức là khen thì công khai rộng rãi trước số đông, nhưng em nào có khuyết điểm, vi phạm thông thường thì hạn chế việc phê bình em đó trước tập thể lớn, sẽ gặp riêng để giáo dục, hoặc mời gia đình trao đổi để cùng phối hợp giáo dục nhằm tránh tạo mặc cảm cho học sinh.
Thầy cô là cha mẹ, là người thân của mỗi học trò ở trường, một lời nói của cô có thể thay đổi cả cuộc đời một học trò |
NHẬT THỊNH |
Nếu những học sinh vi phạm kỷ luật nhiều, ban giám hiệu sẽ mời đại diện hội cha mẹ học sinh, phụ huynh và học sinh tới họp để cùng trao đổi, thống nhất việc giáo dục, đồng thời có hình thức xử lý phù hợp.
Trong các giờ họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng giữ tinh thần này. Những câu chuyện tích cực, việc tốt, trò giỏi thì giáo viên có thể thông báo rộng rãi tới phụ huynh trong buổi họp. Giáo viên chủ nhiệm không nêu tên cụ thể những học sinh chưa có điểm cao, chưa chấp hành tốt kỷ luật… trước mặt các phụ huynh khác. Giáo viên chủ nhiệm sẽ mời, gặp riêng phụ huynh của những bạn này vào cuối giờ, trao đổi trò chuyện riêng, để hiểu hơn về các em, bàn cách hỗ trợ các em được tốt hơn.
Đồng thời, theo thầy Vũ, những năm qua nhà trường có phòng tư vấn tâm lý học đường. Với những học sinh chưa ngoan, ngoài cách giáo dục, dạy dỗ, nhắc nhở học trò, cán bộ tư vấn tâm lý sẽ gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với các em để tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề các em gặp trong cuộc sống, từ đó thấu hiểu, tìm được những nguyên nhân, hỗ trợ giúp học sinh đó thay đổi bản thân tích cực hơn.
Trẻ bị bêu tên sợ hãi, ám ảnh vì xấu hổ, bạn bè trêu chọc
Đỗ Thị Tường Vi, sinh viên năm cuối khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trong ký ức thời đi học, cô rất sợ hãi, xấu hổ, ngượng ngùng với bạn bè nếu như bị bêu tên trong danh sách những học sinh đi muộn vào mỗi giờ chào cờ đầu tuần.
Theo Tường Vi, với những học trò ở tuổi tiểu học, các em còn chịu áp lực từ việc bị bạn bè trêu chọc suốt thời gian sau khi bị thầy cô bêu tên trước trường, Điều này có thể khiến các em sợ hãi đi học, trở nên rụt rè, nhút nhát, mặc cảm, tự ti.
"Nếu không tâm sự với các trò, tôi sẽ không thể hiểu được vì sao các em có những hành động như vậy" |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Làm gia sư dạy học sinh tiểu học từ năm nhất đại học và thực tập dạy tại một trường tiểu học, Tường Vi bày tỏ quan điểm: "Dù học sinh hiếu động như thế nào, phạm lỗi ra sao thì giáo viên cũng không nên bắt em đứng trước lớp để phê bình mà nên gặp riêng học trò đó cuối giờ học để tìm hiểu vì sao em lại có cách ứng xử như vậy.
Nữ sinh viên ngành Giáo dục tiểu học kể, cô từng thực tập dạy một lớp 3, có một học sinh luôn làm ngược lại với cả lớp như xé giấy, gấp giấy trong lúc các bạn đang làm bài... Tuy nhiên, cô không la học sinh đó và khuyến khích cả lớp làm bài tốt, bạn nào thu hoạch được nhiều điểm tốt lại được tham gia trò chơi, có quà.
"Tôi nhìn thấy trong mắt em học sinh này niềm ao ước cũng được như các bạn. Cuối buổi, tôi hỏi sao em hay làm ngược lại với lời cô, em nói “cô ơi những bài tập trên lớp dễ quá, em làm ở nhà nhiều quá rồi”. Tôi hiểu ra và in thêm phiếu bài tập cấp độ nâng cao hơn, em hứng thú học lắm, em học rất giỏi, giơ tay phát biểu nhiều, sôi nổi hơn. Tôi hiểu rằng nếu không tâm sự với các học trò, sẽ rất khó để hiểu được vì sao các em hành động như vậy, và cách nào giúp các em thay đổi”, Tường Vi bộc bạch.
Bình luận (0)