Trong khi thành viên nhóm Thiện nguyện Liên Tâm ở TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) tập hợp phân loại cả tấn bánh kẹo được người dân khắp nơi gửi về, bà Thanh Phượng (49 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) cũng đang gom từng hộp bánh nhỏ của bạn bè, đồng nghiệp. Tết đến, mọi người có thói quen mua nhiều bánh, mứt, có người được tặng không dùng hết, để lâu hết hạn sử dụng, bỏ đi thì tiếc. Xin bánh kẹo còn dư tặng lại trẻ em nghèo không chỉ tiết kiệm mà còn giúp lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.

Nhóm Thiện nguyện Liên Tâm tranh thủ thời gian sau giờ đi làm để phân loại bánh kẹo
ẢNH: Phan Diệp
1 tấn bánh kẹo cho trẻ vùng cao
Đó là số lượng mà nhóm Thiện nguyện Liên Tâm đã gom được từ người dân cả nước trong khoảng nửa tháng sau tết. Từ những hộp bánh quy đắt tiền chưa mở nắp đến những túi kẹo nhỏ xíu được đóng gói kỹ gửi về kho của nhóm là nhà ông Trần Quý Đức (51 tuổi, ở TP.Dĩ An), quản trị viên của nhóm.
Từ những chuyến thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa, thành viên nhóm thấy trẻ em ở đây thiếu thốn nhiều thứ. Từ tấm áo, đôi giày và bánh kẹo dường như là thứ xa xỉ. Tuy tết đã qua nhưng mùa xuân vẫn còn, nhóm quyết định gom bánh kẹo kết hợp với chương trình nấu ăn cho các bé ở xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và lớp học tình thương ở hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) vào ngày 22 - 23.2.

Mọi người cùng nhau tìm hạn sử dụng in trên bao bì
ẢNH: Phan Diệp
"Nhóm hiện có hơn 1.000 người gồm thành viên và tình nguyện viên ở TP.HCM và lân cận như Đồng Nai, Bình Dương. Hằng tháng, nhóm có hoạt động định kỳ tặng quà đêm cho người vô gia cư, tặng phần ăn cho bệnh nhân, hỗ trợ viện phí cho bệnh nhi…", ông Đức, đại diện nhóm, chia sẻ.
Khoảng 19 giờ ngày 15.2, 10 thành viên nhóm tập trung phân loại bánh kẹo. Mọi người kiểm tra hạn sử dụng, loại bỏ những bánh kẹo hết hạn, rồi sắp xếp theo loại. "Đây là lần đầu tiên nhóm gom bánh kẹo sau tết nhưng được bà con cả nước ủng hộ rất nhiều nên sang năm sẽ ưu tiên tiếp tục hoạt động này", ông Đức chia sẻ.
Đỗ Thị Thảo (30 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) tham gia nhóm được 2 năm chia sẻ: "Đa số sau tết các gia đình thường dư bánh kẹo, trong khi trẻ em ở vùng cao khó khăn, hiếm có dịp được ăn quà bánh nên thấy chương trình rất ý nghĩa", chị Thảo nói.
Nguyễn Tấn Lợi (31 tuổi, ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) ngày làm công nhân, tối tranh thủ đến phân loại bánh kẹo. Anh cho biết điều quan trọng nhất là phải tìm ra hạn sử dụng in trên bao bì, những chiếc bánh kẹo còn hạn sử dụng quá ngắn, nhóm sẽ bỏ đi.
Của cho không bằng cách cho
Ở TP.HCM, chị Đinh Thị Thanh Phượng đã qua năm thứ 2 gom bánh kẹo. Sau tết đi làm lại, chị thường nghe đồng nghiệp than thở nhà còn nhiều bánh mứt không biết làm sao. Từ việc thường xuyên hỗ trợ sữa mẹ, nhu yếu phẩm cho trẻ em các mái ấm trong, ngoài TP.HCM mấy năm qua, thấy các bé ở đây cái gì cũng thiếu.

Quà bánh sau tết của chị Phượng gom được gửi đến lớp học tình thương
ẢNH: NVCC
Vậy là chị Phượng bắt đầu gom bánh mứt ăn tết còn dư của mọi người. Chị nhận trực tiếp từ đồng nghiệp, đăng bài trên trang cá nhân xin thêm bạn bè, người quen. Chị không nhận bánh kẹo trôi nổi, chỉ nhận loại có nguồn gốc và phải còn hạn sử dụng lâu, không hư hỏng… "Phương châm của tôi trong việc tiếp nhận đồ hỗ trợ mái ấm, lớp tình thương đó là của cho không bằng cách cho, mình phải ăn được thì mới cho người khác", chị Phượng nói.
Năm ngoái, chị Phượng gom được khoảng 4 bao lớn. Năm nay số lượng tăng thêm và dự định cuối tháng 2 sẽ gửi đến một số ngôi chùa, mái ấm, lớp tình thương nơi chị thường tặng sữa mẹ, nhu yếu phẩm định kỳ trong năm.
"Với tôi, quà tặng là tấm lòng của người tặng. Bánh kẹo được tặng có khi không dùng nhưng cũng khó từ chối. Vì thế, tôi mong mọi người nếu còn dư, thì tìm cách tặng lại người cần, vừa tiết kiệm, vừa lan tỏa yêu thương", chị Phượng nói.
Hưởng ứng hoạt động, Nguyễn Ngọc Trúc Anh (29 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) gửi bánh kẹo của gia đình sau tết đến chương trình và đăng lên trang cá nhân kêu gọi bạn bè. "Mình gom được khoảng 200 hộp bánh kẹo. Chương trình nhóm đưa ra không chỉ mang tình yêu thương mà còn giúp giảm lãng phí cho xã hội dịp sau tết", cô gái nói.

Bình luận (0)