Gốm Chăm đi Mỹ

21/02/2015 14:29 GMT+7

(TN Xuân) Cuối năm 2014, gốm mỹ nghệ Bàu Trúc đã được một công ty tại Việt Nam làm thủ tục xuất sang Mỹ.

(TN Xuân) Cuối năm 2014, gốm mỹ nghệ Bàu Trúc đã được một công ty tại Việt Nam làm thủ tục xuất sang Mỹ.

Nghệ nhân tạo hình gốm - Ảnh: Trung Hoàng Nghệ nhân tạo hình gốm - Ảnh: Trung Hoàng
Là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) được xem như một bảo tàng truyền thống của đồng bào Chăm. Nguyên liệu tạo ra sản phẩm gốm là những hạt cát vàng mịn lấy từ con sông Quao chảy qua làng Bàu Trúc, trộn lẫn với đất sét chính hiệu từ cánh đồng Hamu Craok.
Ông Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Công ty TNHH gốm Bàu Trúc, cho biết cánh đồng Hamu Craok (Hamu là ruộng, Craok là đút cho em bé ăn) ở phía tây của làng, chỉ rộng hơn 2 ha và nằm trên gò cao hơn những đám ruộng chung quanh. Đây là mỏ đất sét duy nhất tạo nên thương hiệu gốm Bàu Trúc, như một lộc trời ban cho dân làng. Có nhiều người đã thử nghiệm, lấy đất sét ở đồng ruộng kế cận đem về vẫn tạo ra được sản phẩm, nhưng khi đưa vào nung thì bị nứt nẻ.
Theo ông Đoan, điều kỳ diệu ở cánh đồng Hamu Craok là đất sét không bao giờ vơi, đến mùa người dân ra đồng cào lớp đất bùn trên mặt đưa sang một bên, lấy lớp đất sét ở phía dưới rồi lấp lớp bùn lại nguyên trạng. Năm sau, lớp đất sét lại tự trồi lên, người dân gọi đất tự mọc. Nhờ vậy, qua cả ngàn năm phát triển làng nghề, mỏ đất sét ở cánh đồng Hamu Craok không bao giờ cạn. Đất sét được đưa về nhà phơi khô và trộn với cát mịn đã qua sàng lọc theo tỷ lệ bí truyền của làng nghề. Gốm mỹ nghệ Bàu Trúc không có khuôn mẫu khi tạo hình, nghệ nhân làm gốm dùng đôi tay của mình, đi vòng quanh trục gốm để tạo ra sản phẩm mang tính độc bản. Đây chính là nét độc đáo mang đậm dấu ấn của làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm.
Từ nhiều năm nay, gốm mỹ nghệ Bàu Trúc không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang xa ra thế giới. Nhiều du khách quốc tế tìm mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Trong một lần đến làng gốm Bàu Trúc, kiến trúc sư Trần Hùng (Việt kiều Mỹ) đã có ý tưởng đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại các resort, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí ở Mỹ. Dự án được khởi sự vào năm 2014, thông qua một doanh nghiệp tại Ninh Thuận là Công ty TNHH Hòa Hương Thu. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ (như tượng thần Ganesa đầu voi, tượng thần Siva, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, đèn lồng hoa văn…) được đóng kiện vượt đại dương qua Mỹ.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hương Thu, gốm Bàu Trúc đưa sang Mỹ được trưng bày, giới thiệu tại California, Texas và Arizona. Người dân bản địa rất ưa chuộng, bởi nó vừa huyền bí vừa tinh xảo, sắc nét.
Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết gốm Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa vào kế hoạch danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình UNESCO xem xét, công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là cũng là dịp quảng bá sản phẩm gốm Bàu Trúc ra thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.