Năm 19 tuổi, tôi được gả về nhà chồng. Hai năm sau, má chồng giao hết công việc làm ăn mua bán đậu phộng cho tôi quán xuyến. Cứ hết mùa mua bán đậu phộng, tôi đi xe máy đến chợ Hóc Môn, Chợ Lớn (TP.HCM) để lấy hàng về bán tạp hóa. Các mặt hàng gốm sứ đa phần là các thương lái từ nơi khác chở bằng xe lôi, xe ba gác, xe đò đến tận nhà giao hàng. Thế rồi, gốm miền Đông mà nhiều nhất là gốm Bình Dương đã bén duyên với cửa hàng tạp hóa nhỏ nhà tôi và đông đảo bà con lối xóm trong vùng.
Tôi nhớ như in, buổi sáng hôm ấy, khi mặt trời vừa xuyên qua những hàng tràm bên kia dãy ruộng dựa mé đường, có chiếc xe lôi chở gốm: lu, vại, kiệu, chậu hoa, chén, đĩa, tô tộ, lò đất, heo đất, bình bông… đến cửa hàng tôi chào hàng. Đông đảo bà con đang mua hàng ở tạp hóa nhà tôi tò mò, chú ý lại xem những sản phẩm gốm sứ.
Chú Hai đang mua thuốc rê thì nán lại, đưa chiếc xe đạp cho con trai tôi bảo chạy lại nhà ông Hai, kêu chú Tám lại cửa hàng tôi lựa vài cái lu, cái kiệu về chứa nước; thím Sáu nói với mợ Bảy đi ra xe lôi lựa mớ chén, đĩa, tô tộ đặng bữa hai làm đám giỗ ông nội sắp nhỏ; bé Tư con chị Năm xóm trên say mê với các chú heo đất đủ màu sắc mà lưỡng lự phân vân không biết chọn con nào vì con nào nhìn cũng đẹp cũng muốn mua hết ráo.
Loay hoay cả buổi sáng thì bà con ai nấy cũng lựa chọn cho mình những cái lu, cái khạp, mớ chén đĩa tô tộ… bởi phần đông bà con đánh giá các sản phẩm gốm Bình Dương bền, đẹp với hoa văn phong cảnh giản dị gần gũi với đời sống của người dân Nam bộ và hơn hết là giá thành bình dân, hợp túi tiền của bà con nhà nông. Hỏi thăm thương lái về nguồn gốc gốm sứ miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng, té ra gốm sứ Bình Dương được ưa chuộng phổ biến bởi chủ lò gốm sử dụng nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao nằm dọc theo những con sông ở địa phương để nhào nặn, cùng với đó là kỹ thuật làm gốm gia truyền của những nghệ nhân gốc Hoa đến đây từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 để lập nghiệp.
Từ cửa hàng nhà tôi, những sản phẩm gốm sứ Bình Dương theo các chú, các thím về nhà vườn sử dụng. Dần dần, chính sự có mặt của gốm Bình Dương đã điểm tô vẻ đẹp cuộc sống hằng ngày của bà con một xã vùng quê. Ngay trước sân nhà là những chậu kiểng, bên hiên nhà hay ngoài hàng ba là những chiếc lu, những hàng kiệu thẳng tắp chứa đầy nước, hay trên bàn ăn của mỗi nhà đều được bài trí từ những cái chén, cái đĩa, tô tộ với hoa văn đẹp mắt…
Gốm Bình Dương như đi vào từng nếp nhà, từng lối sống thôn quê. Cứ thế, gốm miền Đông làm đẹp cho đời. Từ nguyên liệu đất sét, qua bàn tay tài hoa, cẩn thận, tỉ mỉ cùng kinh nghiệm lâu năm của người thợ từ công đoạn tạo hình, tráng men đến việc canh đúng độ lửa đã cho ra những mẻ gốm chín đều và đẹp.
Trải qua hơn nửa đời người, tôi cũng không biết từ khi nào những sản phẩm gốm miền Đông Nam bộ đã có mặt tại các tỉnh thành miền Tây sông nước. Chính những chuyến xe dặm đường bụi đỏ của các thương lái, những chiếc ghe của khách thương hồ chở gốm miền Đông đã cùng những người thợ tài hoa làm nên hành trình của đất, để gốm miền Đông đi khắp mọi miền đất nước, làm đẹp cho đời, điểm tô cuộc sống văn hóa phương Nam.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)