Gọn và tinh

29/11/2024 03:57 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Tô Lâm coi tinh gọn bộ máy là 'cuộc cách mạng' và đòi hỏi phải có sự đoàn kết, dũng cảm, 'chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân' vì lợi ích chung.

Đó là bởi quá trình sắp xếp ấy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, sẽ khiến không ít cán bộ, thậm chí cán bộ có chức vụ cao tâm tư, so bì, mặc cảm.

Trên thực tế, chúng ta đã có những kinh nghiệm trong tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy từ năm 1989, khi Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành và thực hiện quyết liệt Quyết định 176/HĐBT về "sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh". Cũng có nhiều tâm tư, lo ngại nhưng rồi kết quả đã chứng minh tính đúng đắn của Quyết định 176. Cùng với việc sắp lại các đơn vị kinh tế quốc doanh, phát triển kinh tế nhiều thành phần nói riêng, việc kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp nói chung với quyết tâm "chịu đau đớn một lần" để cắt bỏ đi những khối u lớn, đã tạo nền tảng quan trọng cho sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện, tạo nên vị thế của đất nước.

Giờ đây, trước yêu cầu phát triển mới, hướng tới kỷ nguyên mới với sự thịnh vượng, phồn vinh, lần nữa rất cần một "cuộc cách mạng" tương xứng với mục tiêu đặt ra. Thực tiễn phát triển của đất nước cho thấy, bên cạnh các nguyên nhân khách quan vẫn còn những cản trở nằm ngay trong chính bộ máy của chúng ta. Điều này từng được Bộ Chính trị nêu ra, được T.Ư Đảng đề cập trong các kỳ hội nghị; được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh.

Và để tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho sự phát triển đất nước hiện nay, thì việc sắp xếp lại bộ máy và cơ chế vận hành của bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được coi là khâu đột phá. Đây là đòi hỏi khách quan, yêu cầu phải thực hiện khách quan, khoa học, quyết liệt, vô tư.

Là sự quyết tâm, dũng cảm để vượt qua những lo ngại khi đụng chạm đến quyền lợi, đến các mối quan hệ của từng thành viên trong hệ thống với nguyên tắc "nhìn việc để chọn người" chứ không "nhìn người để xếp việc". Có như thế mới xóa bỏ được tình trạng tồn tại lâu nay trong cơ quan nhà nước là "thiếu người làm được việc, thừa người không làm được việc".

Bộ máy khi ấy mới đảm bảo được cả 2 tiêu chí "gọn" và "tinh", đảm bảo yêu cầu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra là "tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước". Đội ngũ cán bộ khi ấy mới thực sự đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.