Google vẽ bánh mì Sài Gòn khi tôn vinh bánh mì Việt có thỏa đáng?

25/03/2020 09:18 GMT+7

Nhiều người băn khoăn vì sao Google tôn vinh bánh mì Việt Nam với hình ảnh bánh mì Sài Gòn chứ không phải Hội An, Hà Nội.

Nhận diện nước tương, dưa chuột

Google Doodle bánh mì Việt Nam, hình ảnh đại diện cho cả bánh mì Sài Gòn, bánh mì Hội An, bánh mì Hà Nội, được sáng tạo dưới dạng hình ảnh động. Với kỹ thuật hoạt hình, công chúng được xem quá trình kẹp một chiếc bánh mì Việt Nam - món ăn đường phố nổi tiếng thế giới. Cô Olivia Huynh, người sáng tạo ra biểu tượng này, cho biết hình ảnh mà nhóm của cô thể hiện là những tủ bánh mì trên đường phố. “Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới những người bán hàng trên đường phố, cũng như những đầu bếp đã nướng, đã làm nhân, đã kẹp bánh mì hàng ngày để không chỉ một người được thưởng thức”, cô cho biết.
Hình ảnh động tái tạo lại một tủ kính của hàng bánh mì Việt Nam. Chiếc tủ có nhiều tầng. Tầng phía trên hơi hụt để bày bánh mì. Phía dưới dành cho các loại nhân. Đây là sắp đặt phổ biến của các tủ bánh mì miền Trung, miền Nam. Tại Hà Nội, bánh sẽ được đặt trong một lò nướng riêng bên cạnh.

Google Doodle tôn vinh bánh mì Việt Nam

Ảnh chụp màn hình

Trong tủ bánh được vẽ, có một bát lớn đựng nhân màu nâu hồng - pa tê, một bát đựng sốt màu vàng - mayonnaise. Ở Việt Nam, loại sốt này thường do các hàng bánh mì tự đánh nên rất tươi. Các loại thịt nguội cũng được sắp trong đĩa. Góc tủ có cây giò lụa với lá gói xanh. Rau được sắp thành mấy đĩa: dưa chuột, đồ chua, rau thơm, ớt tươi. “Phía góc bên tay trái có thể thấy chai magi. Điều này cho thấy bánh mì này không phải bánh mì Hà Nội. Nó có thể là bánh mì miền Trung hoặc Sài Gòn”, chuyên gia ẩm thực ông Nguyễn Quang Việt nói.
Tuy nhiên, ông Việt còn cho biết, việc không sử dụng sốt ớt cho thấy đây không phải bánh miền Trung. “Cộng với việc không sử dụng sốt ớt, lại có dáng bánh mì đầu tròn, tôi nghĩ đây là bánh mì Sài Gòn”, ông nói.

Hình ảnh quốc tế

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, một Việt kiều Mỹ, cho rằng bánh mì nhồi nhân đã xuất hiện tại Sài Gòn khá sớm. Trong khi đó, tại Hà Nội, có muộn hơn. “Bánh mì nhồi ở Hà Nội ban đầu là của Nguyên Sinh. Nhưng lúc đầu vẫn là phục vụ theo kiểu đồ nguội trong đĩa, bánh để cạnh”, ông Bách cho biết.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, bánh mì kẹp giò kẹp chả đã có ở Hà Nội từ những năm 1930. Nhưng bánh mì Sài Gòn còn có từ trước nữa. “Năm 1928, bánh mì Hà Nội đã nhiều lắm rồi. Thậm chí còn xảy ra một vụ đình công của những người thợ làm bánh mì ở Hà Nội”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là thứ bánh mì kẹp hoàn chỉnh với hàng quán chuyên bán bánh này như hiện nay.

Tủ nhân bánh của bánh mì Huỳnh Hoa

Ảnh Sài gòn ẩm thực

Về nhân, ông Tiến cho biết, ngoài ăn kèm với pa tê, pho mát, xúc xích, giăm bông… theo kiểu truyền thống của người Pháp thì từ thập niên 1930 người Hà Nội đã ăn bánh mì với giò, chả, xíu mại… Ông cho biết, trong cuốn “Bắc Kỳ - Phong cảnh và ấn tượng” của nữ văn sĩ Pháp Hilda Armhold có đoạn viết về tiếng rao bánh mì và bánh giò trong đêm khuya ở Hà Nội cuối những năm 1930: “Những người bán bánh mì thường đi qua các tụ điểm đánh bạc đêm của người Hoa. Họ ủ bánh trong tấm vải cũ kỹ để những chiếc bánh luôn giòn. Họ bán bánh mì kèm với giò lụa”.
Tuy nhiên, những nhà văn, nhà nghiên cứu như ông Bách, ông Việt, ông Tiến đều cho rằng việc tôn vinh hình ảnh bánh mì Việt Nam bằng hình ảnh bánh mì Sài Gòn là hợp lý. “Bánh mì nhồi Việt Nam bây giờ nó nổi tiếng vì là làm theo lối bánh mì Sài Gòn và Hội An. Nó gồm đủ cả pa tê, chả, đồ nguội, đồ chua, dưa chuột, rau thơm. Tức là các chất cân đối, vị ngon. Tôn vinh một cái bánh như vậy là thỏa đáng chứ”, ông Bách nói.
Trong khi đó, theo ông Việt: “Được đánh giá cao nhất ở Việt Nam trong mắt khách nước ngoài là bánh mì Phượng ở Hội An. Tuy nhiên, nếu để nói là một sản phẩm thương mại, thì phải chọn thành phố lớn, và có nhiều điểm bán chất lượng tốt. Cái này thì TP.Hồ Chí Minh có đủ yếu tố. Tôn vinh bánh mì Sài Gòn là đúng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.