Góp gạo làm đường bê tông

17/08/2013 10:19 GMT+7

Với cách làm: chính quyền hỗ trợ xi măng, sắt thép, doanh nghiệp hỗ trợ cát, đá, còn người dân thì tham gia ngày công lao động, hiến đất, góp lương thực, thực phẩm; huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành hàng chục tuyến đường bê tông miền núi.

Với cách làm: chính quyền hỗ trợ xi măng, sắt thép, doanh nghiệp hỗ trợ cát, đá, còn người dân thì tham gia ngày công lao động, hiến đất, góp lương thực, thực phẩm; huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành hàng chục tuyến đường bê tông miền núi.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về làng Kon Srệt, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Con đường trầy trật, lầy lội ngày nào giờ đã được bê tông xi măng bóng láng. Già làng A Điêu bảo, có được đường là nhờ huyện cho tiền mua vật liệu xây dựng, máy móc kỹ thuật, còn lại bà con trong làng và thanh niên tình nguyện thay nhau làm. Nói thì nghe đơn giản nhưng thực ra, để có con đường này, người làng Kon Srệt đã họp lại nhau mấy lần tại nhà rông, rồi già làng A Điêu bảo dân làng: Làng mình mấy ai có tiền mà góp làm đường. Vậy thì đứa nào có đất thì cho đất, đứa nào có sức thì ra cầm cây cuốc, vác xô vữa cùng tham gia làm đường.

Góp gạo làm đường bê tông
 Đường bê tông do dân làng Kon Srệp “góp gạo” thi công - Ảnh: Phạm Anh

Nghe già làng nói, dân Kon Srệt gật đầu vì thấy “ưng cái bụng”. Vài ngày sau, huyện Kon Rẫy dùng xe tải đưa về làng xi măng, sắt, đá, máy trộn bê tông… Thế nhưng vấn đề nữa là, phải có cái gì ăn vào bụng mới có sức cầm nổi cây cuốc, vác nổi bao xi măng chứ? “Con trai đi làm đường, con gái thì chặt củi hái rau rừng. Nhà nào có gạo thì góp gạo, nhà nào có rau, bí, bắp thì mang tới nhà rông nấu cơm cho thanh niên làm đường ăn no cái bụng”, chị Y Mừng, con gái già làng A Điêu, kể chuyện.

Vậy là ròng rã gần 20 ngày, huy động cả ngàn nhân công, con đường bê tông dài 250 m, rộng 3,5 m, dày 20 cm vào làng Kon Srệt đã hoàn thành. Bà Y Bo (50 tuổi) ở làng Kon Srệt nói: “Từ hồi nhỏ đến giờ tui mới thấy con đường đẹp chạy vào làng. Trẻ con sáng tối có chỗ chơi sạch sẽ. Củ mì, bắp … muốn bán cho ai cũng khỏi phải gùi ra ngoài đường lớn vì xe tải vào tận nơi chở ra, giá cả như nhau nhưng người làng khỏi phải mất sức vác gùi.” Rồi bà Y Bo khoe: “Ngày khánh thành đường, cả làng cúng lễ, vui chơi, uống rượu ghè say cả làng á chớ. Vui hung!”

Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Kon Rẫy, cho biết con đường ở làng Kon Srệt nếu nhà nước bỏ tiền ra (chưa kể nhân công) cũng mất 500 triệu đồng. Vậy mà nhờ đồng bào chung tay “góp gạo” vào, số tiền nhà nước bỏ ra chẳng bao nhiêu. Ông Thủy còn cho hay, không chỉ làng Kon Srệt mà đồng bào thiểu số ở khắp các xã trong huyện đều hưởng ứng cách làm nói trên. Có người dân còn hiến đất nhà để làm đường và chỉ tính toán sơ bộ, đã có trên 2.000 m2 đất người dân “cho không” nhà nước để làm đường. Nhiều nơi, nhân công tại chỗ nếu không đảm bảo, huyện huy động thanh niên tình nguyện, bộ đội của tỉnh thay phiên nhau thi công. Đáng quí là, tất cả chi phí ăn uống cho thanh niên và bộ đội đều do đồng bào đóng góp lương thực, thực phẩm “nuôi quân”.

“Mới thực hiện chủ trương này được hơn một năm, nhưng huyện đã làm được 20 tuyến bê tông giao thông miền núi với tổng chiều dài gần 100 km, trong đó chủ yếu là do dân đóng góp. Có đường bê tông, đồng bào còn mang hoa ra trồng hai bên đường rất đẹp”, ông Thủy nói. Cũng theo lời ông Thủy, từ nay trở về sau, không dám “vét” sức dân nhiều, mà cứ mỗi năm huyện chỉ huy động sức dân để làm ít nhất 1 km đường bê tông, với hy vọng những con đường miền núi gồ ghề, trơn trượt của huyện Kon Rẫy sẽ được thay bằng những con đường bê tông trong tương lai không xa.

Phạm Anh

 >> Dân, doanh nghiệp hiến đất làm đường
>> Làm đường cho dân
>> Nông dân hiến đất làm đường
>> Giúp dân làm đường nông thôn
>> Doanh nghiệp hỗ trợ làm đường, trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.