Góp ý cho TP.HCM trở thành thành phố điện ảnh

16/02/2025 06:30 GMT+7

Tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO diễn ra sáng qua 15.2 tại TP.HCM với sự tham dự của các đại biểu trong và ngoài nước.

Thực hiện đề xuất của Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng về "Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO", UBND TP.HCM giao Sở VH-TT chủ trì, phối hợp các cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện hồ sơ ứng cử gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.

Góp ý cho TP.HCM trở thành thành phố điện ảnh - Ảnh 1.

Nhà sáng lập LHP Busan Kim Dong-ho tại buổi tọa đàm

ảnh: Đ.T

Ngày 3.3, hồ sơ sẽ chính thức nộp UNESCO để TP.HCM trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo. Nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh UCCN (UNESCO Creative Cities Network) đầu tiên của VN và Đông Nam Á.

Người dân thành phố hưởng lợi

Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL: "Văn hóa sáng tạo kéo theo sự phát triển KT-XH. Điện ảnh là sự tổng hòa các loại hình nghệ thuật nên việc trở thành thành phố điện ảnh sẽ là cơ hội để TP.HCM tạo việc làm, tăng doanh thu, tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối xã hội, khơi gợi sức sáng tạo, bảo vệ, duy trì sự đa dạng, độc đáo, thúc đẩy hợp tác quốc tế, kết nối nghệ sĩ, doanh nghiệp với thị trường thế giới, xây dựng thương hiệu cho thành phố".

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại VN, nhận định: "Hiện có 350 thành phố trên toàn cầu gia nhập mạng lưới sáng tạo. Năm 2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo trong thiết kế. 4 năm sau, Hội An là thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian; và Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc. Hội thảo lần này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn tất hồ sơ, giúp TP.HCM phát triển bền vững trong tương lai. Không ai có lợi ích dài lâu từ việc này hơn người dân thành phố".

TP.HCM muốn làm phim trường 300 ha

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn băn khoăn về vấn đề phim trường: "Cách đây 5 năm tôi có dịp tham quan phim trường Busan (Hàn Quốc) rất lớn với chi phí thuê cực rẻ: 500 USD/ngày ưu tiên cho các đoàn phim nước ngoài. Nếu TP.HCM có một phim trường như thế sẽ thu hút dòng vốn từ các nước đến đây làm phim, từ đó kéo theo nhiều dịch vụ hỗ trợ".

Góp ý cho TP.HCM trở thành thành phố điện ảnh - Ảnh 2.

Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối được quay tại phim trường Củ Chi (TP.HCM)

ảnh: ĐPCC

Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy xác nhận thành phố sẽ xây công viên sáng tạo dọc bờ sông Sài Gòn, đầu tư phim trường, trung tâm sản xuất hậu kỳ, thiết lập nền tảng phát hành phim trực tuyến. Thành phố cũng mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, giải quyết đơn giản thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công một cửa, liên thông đến các cơ quan, ban ngành để các đoàn làm phim thuận lợi hơn.

"Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn quay ở phim trường Củ Chi rộng 50 ha. Chúng ta mong có được phim trường đạt chuẩn quốc tế tối thiểu 150 ha. Sở VH-TT TP.HCM sẽ phối hợp nghiên cứu, rà soát quy hoạch và đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện phim trường tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc ở TP.Thủ Đức với diện tích hơn 300 ha để phát triển điện ảnh", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết thêm. 

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh VN Đỗ Lệnh Hùng Tú, TP.HCM cần có bảo tàng điện ảnh, xưởng làm nhân vật, trang phục phim, thành lập học viện đào tạo quốc tế về điện ảnh; cần cử học viên ưu tú sang Mỹ và các nước học hỏi; kết nối điện ảnh với du lịch, tổ chức các LHP, chợ phim tại TP.HCM; đẩy mạnh sáng tạo nội dung số, phát hành phim trên mạng…

Các đại biểu nước ngoài cũng đóng góp các ý kiến thiết thực. Nhà sáng lập LHP Busan Kim Dong-ho chia sẻ kinh nghiệm: "LHP Busan là cơ hội cho các bạn trẻ tham gia với các tác phẩm đầy sáng tạo. 40% phim Hàn Quốc được quay và sản xuất tại Busan, biến nơi đây trở thành địa điểm quay phim hàng đầu ở Hàn Quốc. Chúng tôi có Hội đồng phim Busan, Học viện Điện ảnh Busan để hỗ trợ điện ảnh. Tôi mong TP.HCM trở thành thành phố điện ảnh. Đây là mục tiêu quan trọng, không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh ở VN mà cả Đông Nam Á, trở thành trung tâm điện ảnh châu Á". 

"Chúng tôi đã đồng hành cùng các nhà làm phim Việt, hỗ trợ các tài năng trẻ tham gia LHP Cannes, hợp tác sản xuất phim hoạt hình giữa Pháp và VN. Chúng tôi cũng giúp TP.HCM quảng bá việc quay phim nước ngoài tại đây. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn phức tạp, có khó khăn khi xuất nhập khẩu trang thiết bị làm phim, thiếu các dịch vụ đi kèm, xưởng hoàn chỉnh. Chúng tôi đề xuất làm cẩm nang quay phim tại TP.HCM, hỗ trợ phát hành cẩm nang này tại các LHP lớn, ưu đãi tài chính cho đoàn phim nước ngoài khi sử dụng nguồn lực địa phương. Đại sứ quán Pháp hoàn toàn ủng hộ TP.HCM gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu trong lĩnh vực điện ảnh", ông Jérémy Segay, Tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp, phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.