Góp ý đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

10/06/2022 12:26 GMT+7

Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức hội nghị tại Quảng Nam, lấy ý kiến của các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Sáng 10.6, tại Quảng Nam, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây nguyên vào dự thảo đề án (hội nghị lần thứ hai).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung - Tây nguyên về tham dự hội nghị

nam thịnh

Tham dự và chủ trì hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Phan Đình Trạc cho biết trong quá trình xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cấp ủy, tổ chức đảng, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn sâu sắc về lĩnh vực này trên phạm vi cả nước.

Quang cảnh hội nghị

nam thịnh

Ngoài ra, huy động 10 chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đầu ngành của đất nước tham gia Tổ biên tập xây dựng đề án. Trước khi xây dựng đề án, đã tổ chức 3 hội thảo quốc gia, 6 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề, tổng hợp, tiếp thu hơn 600 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học…

Theo ông Trạc, dự thảo đề án đã xác định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, bản chất, đặc trưng cơ bản, bao trùm của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu mở đầu hội nghị

nam thịnh

Trên cơ sở đó, đề án đã đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua; xác định quan điểm, mục tiêu, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vào một số vấn đề lớn bao gồm: ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua; quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.