Đến nay tình trạng này đang lặp lại.
Năm 2019, TP.HCM bội chi hơn 1.800 tỉ đồng, nhưng qua rà soát, thẩm định thì chỉ được cơ quan BHXH chấp nhận thanh toán 1.100 tỉ đồng, còn hơn 700 tỉ đồng được xem là sai quy định, không phù hợp nên bị xuất toán. Số tiền không nhỏ này các BV phải gánh và nó “đánh” vào thu nhập của nhân viên y tế.
Đến năm 2020, số tiền dự báo bội chi là từ 500 - 1.300 tỉ đồng. Hiện một số BV như ngồi trên đống lửa, nhận bệnh cũng khổ vì vượt quỹ; còn không nhận bệnh cũng khổ vì được cho là không có y đức, nguy cơ bị bệnh nhân (BN) khiếu nại. Nên tình trạng các BV tuyến dưới chuyển bệnh lòng vòng, còn tuyến trên “ôm bệnh” và chấp nhận việc vượt dự toán chi là có thật.
Biết là khó có thể hoàn thành đúng với dự toán chi nhưng các cơ sở y tế không còn đường chọn lựa, bởi hiện nay đa số BN đi KCB BHYT. Hay nói cách khác, tiền từ quỹ BHYT chính là nguồn thu chính của BV.
Việc tranh luận đúng - sai giữa giám định viên BHYT của cơ quan BHXH và y bác sĩ là chuyện cơm bữa. Một bên là làm việc đúng theo quy trình giám định, sai hoặc không hợp lý với quy trình là... xuất toán; một bên mà nếu làm theo quy trình thì rất có thể tính mạng BN bị đe dọa. Việc này ít nhiều gây ức chế cho y bác sĩ khi ra chỉ định.
Có thể nói, dự toán chi KCB BHYT mà cơ quan giữ tiền là BHXH Việt Nam phần nào đã hạn chế được việc lạm dụng quỹ BHYT từ các cơ sở KCB; nhưng nó cũng đã bộc lộ một số nhược điểm mà phần bất lợi rơi vào BN khi BV xài hết tiền được ấn định. Vậy nên, vẫn phải trông chờ vào những quyết sách tài chính trong KCB BHYT của Bộ Y tế, BHXH VN được thực hiện một cách nhanh chóng, phù hợp, để tránh tình trạng phải “gọt chân cho vừa giày” ảnh hưởng đến người bệnh.
Bình luận (0)