GPT-4 có làm nên cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực công nghệ?

17/03/2023 13:32 GMT+7

Ngày 15.3, Open AI công bố chatbot ChatGPT vừa ra mắt bản cập nhật GPT-4, được đánh giá là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến chưa từng có, được đào tạo bằng cách sử dụng phản hồi của con người kết hợp công nghệ học sâu (deep learning).

Theo công bố, GPT-4 có nhiều ưu điểm vượt trội mà các hệ thống AI hiện chưa thể đạt được. GPT-4 có khả năng xử lý đa phương thức đầu vào, gồm hình ảnh, giọng nói, video chứ không đơn thuần là chữ viết. Đây được xem là tính năng hoàn toàn mới, giúp người dùng thực hiện nhiều tác vụ hữu ích và mở rộng việc khai thác tiềm năng của ChatGPT để phục vụ nhiều nhóm công việc khác nhau.

Đánh giá khả năng của GPT-4, CEO Open AI cho biết, nó có thể đạt 1.410 điểm trong kỳ thi SAT; đạt 4/5 hoặc 5/5 điểm cho kỳ thi nâng cao ở các bộ môn Lịch sử Nghệ thuật, Sinh học, Giải tích và Hóa học, đánh bại 90% số người tham gia để vượt qua kỳ thi sát hạch trở thành luật sư, nó cũng đạt điểm cao nhất trong ít nhất 34 bài kiểm tra khác nhau trong các lĩnh vực như kinh tế vĩ mô, viết bài, toán học…

ChatGPT sắp lột xác mạnh mẽ, Google Docs có "đũa thần" soạn thảo, Microsoft có gì để đua tranh?

GPT-4 đa nhiệm hơn "đàn anh"

Xuất sắc hơn tiền nhiệm, ChatGPT-4 được kỳ vọng sẽ xử lý rất nhiều vấn đề hiện tại của doanh nghiệp. Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt, đơn vị triển khai nền tảng thanh toán Payoo cho biết: "Để so sánh, nếu như ChatGPT bản 3.5 có 175 tỉ tham số thì ChatGPT 4.0 là hàng trăm ngàn tỉ tham số. Với một nền tảng xử lý đa kênh, ChatGPT không còn giới hạn ở việc sáng tạo nội dung bằng văn bản nữa mà còn có khả năng thấu hiểu ngữ cảnh của hình ảnh, tổng hợp thông tin từ hình ảnh và tóm tắt lại, chuyển thể thành văn bản. Các tham số của ChatGPT giống như những nơ ron trong một mạng lưới, càng nhiều nơ ron, càng được cung cấp nhiều dữ liệu, nó càng phát huy được lợi thế của mình. Bộ nhớ cực lớn, hoạt động 24/7, ChatGPT có thể hỗ trợ con người xử lý nhiều tác vụ hơn, hứa hẹn sẽ tạo một cuộc cách mạng lớn hơn về hỗ trợ con người".

GPT-4 có làm nên cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực công nghệ? - Ảnh 1.

ChatGPT-4 hứa hẹn sẽ thông minh hơn

AFP

Ông Lĩnh đưa ra một ví dụ về hoạt động chăm sóc khách hàng của một doanh nghiệp công nghệ, nếu nhân sự cung cấp dữ liệu và huấn luyện cho ChatGPT một cách đầy đủ, chatbot này có thể nhìn ảnh chụp màn hình được cung cấp, xác định mã lỗi, tìm giải pháp xử lý trong nguồn dữ liệu có sẵn và trả kết quả về cho người dùng. Lúc này, ChatGPT đã giải quyết được những câu hỏi quen thuộc của khách hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng được giảm tải và chỉ tập trung xử lý những câu hỏi đặc biệt cần nhiều cảm xúc và kỹ năng hơn.

Được biết, Payoo là một trong những doanh nghiệp ứng dụng ChatGPT làm công cụ hỗ trợ công việc từ sớm. Đơn vị này đã cấp tài khoản cho mỗi phòng ban để nhân viên trải nghiệm. Theo thống kê nội bộ, các tác vụ được ChatGPT hỗ trợ nhiều nhất mới chỉ dừng lại ở việc soạn email cho khách hàng, dịch văn bản, gợi ý những ý tưởng cho các dự án nội bộ, gợi ý sắp xếp hồ sơ, phân loại nhóm tài liệu… Dự kiến, trong tương lai, Payoo cũng khuyến khích nhân viên trải nghiệm phiên bản GPT-4 để hỗ trợ thêm cho công việc của mình.

ChatGPT được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực

Nhìn lại hơn 2 tháng qua, ChatGPT đã tiến những bước dài chỉ trong thời gian ngắn. Khi mới ra mắt, người dùng Việt mới chỉ trải nghiệm bằng những câu hỏi vui như nên tặng quà gì cho người yêu vào dịp 14.2, 8.3 hay nhờ gợi ý các địa điểm vui chơi cuối tuần thì thời gian gần đây, ChatGPT đã hỗ trợ cho công việc của cả cơ quan nhà nước lẫn các doanh nghiệp và cá nhân. Các lĩnh vực mà ChatGPT hỗ trợ liên quan đến dịch vụ công, sáng tạo nội dung, nghiên cứu lập kế hoạch, lập trình, chăm sóc khách hàng…

GPT-4 có làm nên cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực công nghệ? - Ảnh 2.

ChatGPT hứa hẹn có thể áp dụng được vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống

AFP

Các doanh nghiệp - nơi công nghệ được tận dụng triệt để để hỗ trợ xử lý công việc, ChatGPT đã và đang ngày càng phổ biến hơn trong việc trở thành một "trợ lý" giúp đỡ nhân viên xử lý công việc nhanh chóng.

Chị Bảo Thu, Quản lý sản phẩm của một công ty fintech cho biết, hầu hết các nhân sự trong phòng ban Thu làm việc đều đã sử dụng ChatGPT để tối ưu hóa các tác vụ thường ngày. Với Thu, ChatGPT giúp cô so sánh các sản phẩm trên thị trường khi lập kế hoạch, còn các đồng nghiệp sử dụng nó để chạy những đoạn code python đơn giản. Thu chia sẻ, việc sử dụng ChatGPT giúp cô và đồng nghiệp tiết kiệm thời gian mỗi ngày. Những đoạn code trước đây các nhân viên lập trình phải làm trong 2 tiếng thì với ChatGPT, lập trình viên chỉ mất 1 tiếng để chỉnh sửa và chạy thử. Thu đánh giá ChatGPT giúp giảm tải 10 - 20% lượng công việc của mỗi nhân viên.

Đánh giá "ChatGPT giỏi tạo ra những câu chuyện hoặc đưa ra những gợi ý để từ đó, đội ngũ sáng tạo phát triển thành ý tưởng mới", Tường Lâm, biên kịch của một loạt video ngắn thường đưa "đề bài" cho ChatGPT mỗi khi bí ý tưởng. Anh chia sẻ, với yêu cầu viết kịch bản trên 3 nhóm nhân vật cụ thể, ChatGPT đưa ra những tình huống khá hay và có thể tiếp tục mạch chuyện khá "mượt" khi anh bổ sung những tình tiết mới.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng tiềm năng của ChatGPT vẫn chưa được khai thác đủ. ChatGPT còn có thể "đa nhiệm" hơn nữa, đặc biệt khi phiên bản GPT-4 và những phiên bản tiếp sau nó sẽ tiếp tục được phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.