GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 6: Thạc sĩ, ca sĩ chạy GrabBike

16/09/2017 09:02 GMT+7

Ngày nọ, cổng chính dành cho giáo viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có một tài xế GrabBike chạy thẳng xe vào. Bảo vệ chặn lại: “Đón khách ngoài kia, anh ơi!”. Tài xế cởi khẩu trang, anh bảo vệ ngẩn người vài giây vì nhận ra người quen: thạc sĩ hóa học Phùng Gia Thịnh.

Tắt ứng dụng khi lên lớp
Tốt nghiệp ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN) khoa hóa năm 2008, Thịnh ở lại trường một năm làm kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm của khoa. Sau đó, anh đi dạy tại Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ HVCT, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Phương Nam và lấy bằng thạc sĩ hóa học hồi năm ngoái.
VIDEO: Nhọc nhằn nghề chạy Grabbike
Vừa làm nghiên cứu viên và phụ thầy hướng dẫn thực nghiệm cho sinh viên năm cuối tại Trường ĐH KHTN, từ kiến thức về hóa học, anh còn mở công ty chuyên bán nước xịt giày khử mùi, nước rửa chén, lau nhà...
“Nói thật, thời gian đầu mở công ty khá khó khăn nên hồi tháng 3 mình đăng ký chạy GrabBike để kiếm thêm trang trải cuộc sống. Lúc đầu, thấy mình bận áo khoác, đội nón GrabBike vào trường, thầy cô và sinh viên cũng ngạc nhiên hỏi thăm. Dù vậy, đến trường mình tắt ứng dụng để không rơi vào trường hợp khó xử khi sinh viên hoặc thầy cô trong trường cần gọi GrabBike đi đâu đó”, anh Thịnh kể.
Làm tài xế GrabBike chưa lâu nhưng giáo Thịnh cũng gặp nhiều chuyện bi hài. Có lần chở khách ở Tân Hòa Đông (Q.6) về Nguyễn Thị Thập (Q.7), trên đường đi khách kể mình vào Sài Gòn săn đồ cổ trị giá triệu đô rất hoành tráng. Tới nơi mới biết, khách... không có tiền.
Lần khác, Thịnh chạy xe từ Đồng Nai về, thấy một trung niên dáng khắc khổ dẫn đứa con nhỏ đi dọc quốc lộ. Nghĩ chắc đây là công nhân hết tiền phải đi bộ, anh thấy tội nên ghé lại nói để chở giúp về. Thấy ông ngần ngừ hỏi bao nhiêu tiền, Thịnh nói chở giúp, ông không chịu nên anh đành nói đại 10.000 đồng. Ai ngờ, nơi đến là một shop bán quần áo cách đó không xa, bà vợ bước ra hỏi chồng: “Xe hơi ở nhà sao không đi mà đi GrabBike?”.
Ông chồng giải thích: “Ừ, định đi bộ chút cho khỏe người, nhưng thấy anh tài xế này nhiệt tình quá nên thôi leo lên”. Nói rồi, ông cảm ơn và bo 50.000 đồng.
“Thoạt đầu, mình chạy GrabBike để kiếm sống. Bây giờ công ty đã ổn, thỉnh thoảng mình vẫn chạy vì làm tài xế GrabBike cho mình những trải nghiệm không phải ai cũng có. Chạy mới biết kiếm tiền khó thế nào, từ đó mình tiêu xài chừng mực hơn. Và bản thân mình cũng là bài học cụ thể cho sinh viên trong khoa: để nuôi chí lớn, theo đuổi ước mơ, đừng nề hà bất cứ việc gì dù nhỏ”, anh nói.
GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 6: Thạc sĩ, ca sĩ chạy GrabBike
Ca sĩ kiêm tài xế GrabBike Huỳnh Thiên Vĩnh Ảnh: NVCC
“A, ca sĩ nè !”
Cao 1,8 m, mặt mũi điển trai, nhìn chàng tài xế GrabBike Huỳnh Thiên Vĩnh ngời ngời như người mẫu, diễn viên. Mà thiệt, Vĩnh từng là người mẫu nghiệp dư, làm ca sĩ khách mời đêm nhạc bolero ở Sân khấu 126 (Q.3), tham gia chương trình Vui ca đoán giọng trên HTV7, hát ở nhiều quán bar, đi sô tỉnh...
Con đường đến nghề tài xế GrabBike của Vĩnh khá ly kỳ. Quê ở H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, năm 16 tuổi, Vĩnh lên Sài Gòn làm phụ hồ, phục vụ... Cao ráo, mặt sáng nên Vĩnh làm người mẫu nghiệp dư nhưng chỉ được vài tháng vì sô và tiền cát sê “bèo” quá.
Chuyển qua đóng phim, Vĩnh chỉ toàn được phân vai quần chúng. Anh kể: “Trong phim truyền hình Cha và con tui đóng tới... ba vai. Đầu tiên, đóng vai công an khám nghiệm hiện trường thì không có thoại. Sau đó, đóng tiếp vai bác sĩ, có thoại vài câu nhưng phải đeo khẩu trang nên không thấy mặt. Vai thứ ba tui làm giang hồ, cũng nói vài câu nhưng đeo kính đen, đội nón sùm sụp nên cũng không thấy mặt luôn”.
Rồi Vĩnh lóc cóc đi học hát, năm 2013 chính thức theo mấy đoàn hát hội chợ lang bạt khắp các tỉnh miền Trung. Chẳng may đụng phải ông bầu lôm côm chuyên “treo đầu dê bán thịt chó” nên thường chỉ hát một đêm tại địa phương rồi phải cuốn gói đi nơi khác.
“Ông bầu đợt đó lì lắm, treo băng rôn toàn ca sĩ nổi tiếng như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Ông Cao Thắng và cả... Wanbi Tuấn Anh (dù ca sĩ này đã mất từ lâu). Đến lúc diễn không có, bị dân họ vây, phải trốn. Tiền nhà nghỉ không trả được, phải để tui ở lại thế thân”, anh kể.
Đầu năm 2016, sô đi hát cũng ế nên rảnh rỗi Vĩnh đăng ký chạy GrabBike kiếm thêm. Đang trọ ở Dĩ An, Bình Dương, mỗi lần đi hát anh tranh thủ bật ứng dụng đón khách “chạy cho đỡ phí”. Vừa đi hát vừa chạy GrabBike nên Vĩnh cũng ngại khách nhận diện. Thời gian đầu chở khách, anh không mặc đồng phục, bị thanh tra GrabBike phát hiện khóa tài khoản, ngưng hoạt động cả tháng. Sau này, khi chạy anh mặc đồng phục nhưng bịt kín mặt mũi. Vậy mà khi đi về, khách từ số điện thoại của anh, tìm kết bạn trên Zalo rồi phát hiện: “A, ca sĩ nè!”...
Số Vĩnh lận đận, làm người mẫu không thọ, diễn viên cũng không xong, tham gia các cuộc thi Solo cùng bolero, Vietnam Idol, Tiếng hát truyền hình, Song ca cùng thần tượng... chẳng đậu cái nào. Chạy GrabBike chỉ ngon thời gian đầu, kiếm 500.000 - 700.000 đồng/ngày, giờ tài xế GrabBike đông quá, nên thỉnh thoảng mới xách xe chạy.
Chàng ca sĩ kiêm tài xế GrabBike Huỳnh Thiên Vĩnh tâm sự: “Mình có album mini Con đường nơi ấy trên trang nhaccuatui và cũng sáng tác bán cho các ca sĩ khác được khoảng 10 bài. Hy vọng bữa nào đó “trúng” được một bài thì lên, còn không chắc vẫn tiếp tục “lềnh bềnh” như vậy thôi”...
***
Chạy GrabBike gần ba tháng, bài viết đã xong. Hôm đó, tôi ngồi lai rai với vài anh em tài xế quen trong những ngày qua. Một anh hỏi: “Viết xong bài rồi, anh tiếp tục chạy GrabBike nữa không?”. Tôi nghe mà cũng không biết trả lời thế nào.
Làm tài xế GrabBike, tôi đã quen với buổi sáng dậy thiệt sớm ra đường để bắt khách đi làm, quen với tiếng nhạc chuông báo có khách, vui thật sự với vài ngàn đồng lẻ khách bo... Tôi chẳng ngại gặp bạn bè, người quen. Mình làm việc lương thiện mà. Tôi cũng chẳng ngại cực vì so với những nghề tôi từng làm như chạy bàn, phụ bếp, chùi cầu tiêu, cắt cỏ..., tài xế GrabBike còn sướng hơn. Chỉ có một điều tôi lấn cấn mãi: Nếu tôi tiếp tục chạy, bắt thêm được một khách, điều đó nghĩa là những đồng nghiệp của tôi bị mất đi một cơ hội kiếm tiền.
Thôi vầy, tôi vẫn sẽ giữ bộ đồng phục xanh lá cây của GrabBike như một kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề của mình. Thỉnh thoảng, tôi lại mặc vào chạy vài cuốc, gặp một đồng nghiệp áo xanh nào đó và sẽ gật đầu chào, hỏi thăm như thường lệ: “Sáng giờ ổn không? Chạy được mấy cuốc?”.
Nghĩa tình tài xế GrabBike
Tài xế GrabBike có thể nghèo, nhưng tình cảm không thiếu. Ra đường dù không quen nhưng thấy cùng mặc áo xanh đồng phục là vui vẻ vẫy tay chào, hỏi thăm chạy được mấy cuốc, thấy đồng nghiệp gặp sự cố là tự động nhảy vào giúp nhiệt tình... Hôm biết chuyện tài xế Trần Thanh Sang, 34 tuổi mất vì xuất huyết não, anh em tài xế GrabBike dù chẳng quen biết đã vận động kẻ vài chục, người một, hai trăm ngàn đồng đóng góp giúp đỡ gia đình Sang.
Sáng chủ nhật 16.7, ngày đưa Sang đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa, cả đoạn đường Hồng Bàng (gần bùng binh Cây Gõ, Q.11) như được nhuộm xanh bởi màu áo của gần cả trăm tài xế GrabBike. Nhiều anh em chạy đêm đến 5, 6 giờ sáng, mắt đỏ ngầu, mặt phờ phạc cũng tìm đến nhà thắp nén nhang để “đưa đồng đội đi một đoạn”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.