GS Đặng Hùng Võ: Bộ máy không thích hợp với quy hoạch tích hợp

09/11/2018 11:11 GMT+7

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần tách biệt quy hoạch xây dựng tỉnh ra khỏi quy hoạch tỉnh để phù hợp hơn với vận hành của bộ máy nhà nước hiện nay.

Sau khi luật Quy hoạch được ban hành, Quốc hội đang phải xây dựng 1 luật điều chỉnh tới 37 luật. Trong đó, nổi lên nhiều ý kiến trái chiều về việc nên đặt tồn tại song song quy hoạch xây dựng tỉnh (QHXD) với quy hoạch tỉnh (QH), hay tích hợp vào nhau.
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng QH tỉnh và QHXD tỉnh là không trùng lặp, và không thể thay thế QHXD tỉnh. QH tỉnh trong luật Quy hoạch mang tính khung, QHXD tỉnh trong luật Xây dựng mang tính kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa. Bên cạnh đó, GS Đặng Hùng Võ cũng đặt vấn đề bộ máy nhà nước hiện nay không thích hợp với kiểu quy hoạch tích hợp.
Có ý kiến cho rằng, việc lập thêm QHXD tỉnh là không cần thiết vì các nội dung của quy hoạch này đã được tích hợp trong QH tỉnh. Quan điểm của ông như thế nào?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi được biết ở nhiều nước chỉ có một cơ quan quốc gia, một bộ chuyên phụ trách về quy hoạch thì mới giải quyết được vấn đề, tránh mâu thuẫn.
Tư tưởng tích hợp là đúng. Nhưng tôi băn khoăn là ở nước ta hiện nay, bộ máy thực hiện chưa phù hợp, không tương thích. Tôi cho rằng, bên cạnh QH tỉnh tích hợp chung của luật, thì quy hoạch chuyên ngành vẫn phải thực hiện theo luật chuyên ngành. Chính phủ đưa ra dự thảo vẫn tồn tại QHXD vùng, tỉnh trong luật Xây dựng mà hiện gọi là QHXD tỉnh - là cần thiết.
Có ý kiến cho rằng tích hợp QHXD tỉnh vào QH tỉnh nhưng làm thế nào để thực hiện được tích hợp thì tôi cho rằng hiện không có lời giải. Tích hợp tất cả sẽ bao gồm rất nhiều ngành. Nếu bộ máy tổ chức như hiện nay thì sẽ không khả thi. Nếu chỉ có một bản quy hoạch cấp tỉnh thì các ông sẽ mắc ngay lập tức. Bởi vì quy trình nào để ông ra được bản quy hoạch ấy? Ai sẽ là người làm, làm như thế nào? Liệu Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh có chỉ đạo được các sở khác để làm hay không, rồi làm xong có được thực thi hay không? Bởi vì làm xong rồi thì họ lại bảo Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, chúng tôi không biết thì chấm hết.
Bộ máy tổ chức rất quan trọng, nó mới tương thích với cơ chế để triển khai, hiệu lực triển khai. Trên thực tế cái này xảy ra nhiều lắm rồi. Tôi thử lấy ví dụ, ông Sở Kế hoạch - Đầu tư rất giỏi, nhưng đến khi triển khai các ngành thì các ông kia lại bảo tôi không làm, tôi triển khai mà sai thì tôi chết à? Như vậy thì có triển khai luật theo hướng tích hợp tất cả vào cũng không được.
Có quan điểm cần phải tách riêng QHXD tỉnh ra khỏi QH tỉnh. Như vậy, theo ông, QHXD tỉnh có vai trò như thế nào?
Chúng ta thấy về mặt tổng thể, QH tỉnh sẽ nêu những định hướng lớn để phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh. Bản chất của QH tỉnh là kế hoạch 5 - 10 năm phát triển kinh tế - xã hội một cách tổng thể.
Còn QHXD tỉnh sẽ cụ thể hóa nội dung QH tỉnh, bao gồm thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, chuẩn bị kỹ thuật, xử lý nước thải, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
Nói cách khác, QHXD tỉnh chỉ tập trung vào kiến tạo cấu trúc không gian dựa trên các mục tiêu mà QH tỉnh đã chỉ ra.
Đặc biệt, QHXD tỉnh đưa ra những chỉ tiêu để quản lý. QHXD tỉnh phân các khu vực ra, các khu vực này để thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội và để đạt được mục tiêu quy hoạch kinh tế - xã hội nêu ra thì xây dựng phải làm như thế nào. Ví dụ mật độ xây dựng tầng cao, mối liên quan giữa nó với môi trường thế nào… Chính nội hàm này QHXD sẽ giải quyết. Hay như người ta vẫn nói, nếu QH tỉnh trả lời được câu hỏi “Tỉnh ta chọn đi đến đâu là đích?” thì QHXD tỉnh sẽ trả lời câu hỏi tiếp theo: “Làm thế nào sử dụng nguồn tài nguyên về không gian, đât đai, môi trường, các vật thể để đi đến đích một cách bền vững nhất?”.
Tôi cho rằng, phải có một số quy hoạch chuyên ngành cần như QHXD, quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch tích hợp của các lĩnh vực vào QH tỉnh. Quy hoạch phải có yếu tố không gian, phải đặt vào mặt đất chứ không phải chỉ ngồi nói chỉ số này, chỉ số kia - đấy mới chỉ là chiến lược chứ ko phải là quy hoạch.
Đã quy hoạch thì phải gắn với không gian. Bây giờ vẫn là bài toán trước đây, một bên là Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Làm thế nào để 3 quy hoạch này xuất hiện nhưng không chồng chéo, không xung đột. Không thể nào mà nhồi được hết trong QH tỉnh.
Kinh nghiệm các nước là như thế này, kể cả Trung Quốc, là không có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cái mình đang nói là QH tỉnh ấy. Tôi đã ngồi trực tiếp với mấy ông làm quy hoạch ở Trung Quốc, thì họ nói là cái này là không có. Họ có một cái gọi là quy hoạch không gian, trong đó là có sử dụng đất. Sử dụng đất để làm gì? Trong đó cái nào để xây dựng, cái nào để bảo vệ, trong đó họ nói chung tay của 3 ngành xây dựng, nông nghiệp và tài nguyên môi trường.
Ở Trung Quốc họ làm quy hoạch chung tay của 3 ngành này. Một bên là đất phải bảo vệ, đất không được chuyển đổi. Họ quy hoạch cái không được chuyển đổi trước, còn sau đó họ mới quy hoạch cái được chuyển đổi. Tức là bởi họ nhấn mạnh yếu tố phải bảo vệ, trong đó có cả yếu tố văn hóa, di tích, chứ không chỉ nông nghiệp. Sau đó thì phần còn lại, phần xem xét cái gì chuyển sang làm cái gì, cái gì làm công nghiệp, cái gì làm xây dựng, cái gì làm đô thị và sẽ làm như thế nào. Trung Quốc họ chỉ chung tay có 3 ngành chính thôi, đó là xây dựng, nông nghiệp và tài nguyên - môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.