Đây là ý kiến của giáo sư (GS) Huỳnh Như Phương khi nói về mối quan hệ giữa con người và công nghệ, văn học và công nghệ số - được trích trong tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam của ông.
Sáng 14.12, tại khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam, do GS Huỳnh Như Phương biên soạn, NXB Đà Nẵng - Book Hunter ấn hành.
"Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ làm… phê bình văn học"
Hồi âm từ phương Nam tập hợp và chọn lựa 36 bài viết về thơ, về văn xuôi nghệ thuật và chính luận cùng một số vấn đề chung của văn học. Nhan đề sách lấy lại từ lời bạt trong tập truyện ngắn của nhà văn Trần Trường Khánh được dịch sang tiếng Việt, cũng muốn gửi gắm ý nghĩa rằng đây là những lời hồi đáp của một độc giả có quan tâm đang sống và viết ở mảnh đất phương Nam. Phần 1 "Nơi cư trú của tình yêu" của cuốn sách có những bài viết về thơ của Pablo Neruda, Xuân Tâm, Nguyễn Vỹ, Ngô Kha, Diễm Châu, Tường Linh, Đông Trình, Ý Nhi... Phần 2 "Trong người có ta" dành cho những bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Trung, Võ Hồng, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Biên, Cao Huy Thuần, Thanh Thảo, Lê Văn Nghĩa... Các bài viết đều đã được công bố trên các ấn phẩm trong nước khoảng 10 năm nay.
Trong buổi gặp gỡ, GS Huỳnh Như Phương cho biết Hồi âm từ phương Nam là cuốn sách in riêng thứ 15 của ông, trong đó có 5 tập tiểu luận phê bình. "Từ khi được đăng những bài báo đầu tiên vào những năm 1970-1972, trong đó có cả văn sáng tác và văn nghị luận, cho đến khi vào ĐH, tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ làm công việc gọi là phê bình văn học. Nhưng khi ra trường, làm nghề dạy học, việc đọc sách và theo dõi đời sống văn học gợi cảm hứng cho tôi viết những bài điểm sách, nhận xét, bình luận về một số hiện tượng văn học cùng thời", GS Phương cho hay.
Ngoài những cuốn sách viết chung và viết riêng, trong khoảng hơn 40 năm ông đã viết chừng 250 bài báo ngắn dài có liên quan đến văn học. Nhưng theo GS Phương, từ việc xuất hiện trên các tạp chí, tuần báo hay nhật báo, những bài viết như thế thường chỉ được bạn đọc để ý một tháng, một tuần hay thậm chí một ngày rồi thôi.
Ông nói: "Người ta đã ví những bài báo như thế như là những bọt nước mau tan trên dòng chảy, lúc trầm lặng, lúc cuộn xiết, nhưng không bao giờ ngưng nghỉ của đời sống văn học. Thời gian trôi đi, cuộc sống đổi thay, nhận thức của mình cũng không như cũ, nên những gì mình viết ra bị vượt qua rất nhanh. Có gì còn lại chăng là dấu tích ghi lại một thời văn chương và chút tình nghĩa với đồng nghiệp, văn hữu. Việc ấn hành những cuốn sách tiểu luận phê bình tập hợp những bài báo như thế là nỗ lực lưu giữ những trang văn phần nào khỏi bị lãng quên trong dòng thời sự".
Người ưu tư về vai trò của văn chương trong đời sống…
Trong buổi gặp mặt, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng bộ môn Lý luận và phê bình văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bày tỏ: "GS Phương đã viết bằng cảm hứng về trách nhiệm rất cao. Không chỉ viết về nhà văn và tác phẩm, thầy còn viết về những vấn đề liên quan đến giáo dục, mang đến cho người đọc những cảm xúc và nhận thức mới. Nếu không ưu tư về vai trò của văn chương trong đời sống thì không thể viết được như thế".
Đúng như nhận định trên, trong Hồi âm từ phương Nam, người đọc một lần nữa tiếp cận cách nhìn về học văn của GS Huỳnh Như Phương thông qua bài "Góp bàn câu chuyện học văn". Có thể thấy điều này qua đoạn văn in trên bìa 4 cuốn sách: "Văn học là con đường giao tiếp và hiệp thông giữa người và người. Công nghệ số giúp cho sự kết nối và tương tác giữa văn học và cuộc đời thêm sâu sắc. Nhưng đôi khi sự giao lưu trong thế giới ảo lại khiến con người trở nên hờ hững với những giao tiếp trong đời thật. Văn học là tiếng nói của cá nhân đến với cá nhân. Công nghệ số vừa cung cấp phương tiện thuận lợi để cá nhân hóa giáo dục, lại vừa có thể giản lược bản sắc của cá nhân qua những dữ liệu được số hóa. Vấn đề là con người và công nghệ luôn quan hệ hỗ tương với nhau chứ không phải công nghệ hoàn toàn điều khiển con người. Như vậy, ta không nên lo công nghệ số sẽ bào mòn cảm xúc của con người; ta chỉ nên lo con người không biết khai thác thế mạnh của công nghệ số để làm giàu cho kiến văn, suy tưởng và cảm xúc của chính mình".
"Làm sách bây giờ là chấp nhận hy sinh…"
Không chỉ nói về sách, buổi gặp gỡ còn bàn về chuyện làm sách. GS Huỳnh Như Phương cho rằng: "Làm sách bây giờ là chấp nhận hy sinh khi đó không phải là dòng sách đại chúng. Điều này càng đúng trong thời buổi thị trường sách in ngày càng thu hẹp, sách nghiên cứu - lý luận - phê bình lại càng khó tiêu thụ".
Nhà văn Hà Thủy Nguyên, người sáng lập Book Hunter, chia sẻ, việc tái hiện lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua tác phẩm văn chương nghệ thuật hiện có những khó khăn do không có sự kết nối chặt chẽ với giới trí thức Việt Nam thuộc các thế hệ. Nữ nhà văn mong muốn, thông qua sự kiện này, có thể xây dựng được danh mục các cuốn sách góp phần tái hiện được diện mạo và sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét cuốn sách Hồi âm từ phương Nam rất dễ đọc do có sự kết hợp giữa bình luận, phân tích và cảm nhận. "Không chỉ từ cuốn sách này mà cả những ấn phẩm trước đó của tác giả, có thể rút ra điều tâm đắc: trong sự nghiệp viết, việc kết hợp hai nhân tố là sự tác động của vùng đất nơi mình gắn bó, trưởng thành và tâm cảm của con người sẽ tạo nên những tác phẩm chạm đến trái tim", GS Truyền nói thêm.
Bình luận (0)