GS Ngô Bảo Châu: Không phải cứ giảm tải trong việc học mới là tốt

10/08/2024 08:19 GMT+7

Trong cuộc tọa đàm giới thiệu cuốn sách 'Lý thuyết số sơ cấp', GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ một số quan điểm về việc học toán và việc tham gia phong trào thi học sinh giỏi toán quốc tế IMO.

Chiều 9.8, tại hội trường Ngụy Như Kon Tum của ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn Lý thuyết số sơ cấp của các tác giả Ngô Bảo Châu và Đỗ Việt Cường.

Bên cạnh những câu chuyện xung quanh nội dung cuốn sách, GS Ngô Bảo Châu đã trả lời câu hỏi của các học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh một số vấn đề về việc học toán và tham gia phong trào thi học sinh giỏi toán quốc tế IMO.

GS Ngô Bảo Châu: Không phải cứ giảm tải trong việc học mới là tốt- Ảnh 1.

Tọa đàm giới thiệu cuốn Lý thuyết số sơ cấp của các tác giả Ngô Bảo Châu và Đỗ Việt Cường do NXB ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức

THÙY DƯƠNG

Tại sao phải chỉ trích phong trào thi IMO?

Trước câu hỏi của PGS Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học, về chủ đề phong trào tham gia kỳ thi IMO của học sinh Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu nhận định: "Kỳ thi toán quốc tế IMO lôi kéo sự chú ý đặc biệt của dư luận ở Việt Nam, kể cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Có lúc người ta "dìm hàng" kỳ thi IMO, hoặc đôi khi lại tâng bốc quá. Tôi thấy kỳ thi IMO là một "đấu trường" cho những học sinh có năng khiếu toán thi thố với nhau. Với những em có năng khiếu thì đó là một sân chơi thú vị, tạo động lực cho các em học tập, phấn đấu".

GS Ngô Bảo Châu: Không phải cứ giảm tải trong việc học mới là tốt- Ảnh 2.

GS Ngô Bảo Châu giao lưu với người hâm mộ

THÙY DƯƠNG

Theo GS Ngô Bảo Châu, IMO là một kỳ thi nghiêm túc, trong sáng. Nhiều người Việt Nam từ phong trào thi IMO mà đã trở thành nhà toán học. Kỳ thi IMO như một kỳ thi đấu thể thao. Đã là thi đấu thể thao thì có thi đua giữa bạn nọ với bạn kia và có cả việc mỗi người tự vượt qua chính mình.

"Đừng có nghĩ nó (kỳ thi IMO) là đường gom vào xa lộ để các em trở thành nhà khoa học thực thụ. Không phải ai muốn trở thành nhà khoa học cũng nhất thiết phải đi vào con đường IMO. Vì không phải ai cũng thích thi thố. Có nhiều bạn trẻ không thích thi thố nhưng sau này họ vẫn hoàn toàn có thể trở thành nhà khoa học. Tuy nhiên, kỳ thi IMO là một niềm cổ vũ cho không ít các bạn học sinh trở thành nhà khoa học, vậy thì sao chúng ta phải chỉ trích nó?", GS Ngô Bảo Châu nêu ý kiến.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ thêm: "Về mặt nguyên tắc, xã hội càng phát triển thì cơ hội mà chúng ta tạo ra cho học sinh càng đa dạng, để mỗi người tìm được cách phù hợp phát huy hết khả năng của mình. IMO là một cơ hội tích cực".

"Nếu toán dễ, chưa chắc tôi đã thích toán"

Trả lời câu hỏi của một học sinh chuyên toán là làm thế nào để học giỏi toán, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm của chính mình: "Khi tôi giải một bài toán, cho dù không tự giải được mà chỉ là đọc được lời giải của ai đó, thì phải cố gắng hiểu đến mức nó thành lời giải của mình. Có như vậy thì lần sau gặp bài tương tự mình sẽ có thể giải được. Mình không thể biết tới cả nghìn, cả vạn bài toán. Nhưng nếu mình hiểu thật trọn vẹn những bài mình đã hiểu thì những bài khác sẽ trở nên dễ dàng hơn".

GS Ngô Bảo Châu: Không phải cứ giảm tải trong việc học mới là tốt- Ảnh 3.

Một học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi với GS Ngô Bảo Châu

QUÝ HIÊN

GS Ngô Bảo Châu cho biết thêm: "Hồi đi học tôi không thấy vất vả. Tôi học đến một mức mà gặp bài nào cũng thấy mình đều có thể giải được. Vậy mà tôi từng là học sinh bị trượt khi thi vào lớp 6 chuyên toán. Nhưng cách học của tôi là như thế, mỗi khi không giải được một bài toán tôi sẽ chép đi chép lại lời giải của bài toán đó cho đến khi tự tôi thấy mình thật sự đã hiểu nó. Quan trọng không phải là số lượng bài toán bạn đã giải được, mà là bạn hiểu thực sự, hiểu trọn vẹn những bài toán đã được học".

Kể về hành trình đến với phong trào thi IMO, GS Ngô Bảo Châu cho biết hồi học tiểu học, toán không phải là môn học mà ông yêu thích nhất. Ông thích trở thành kỹ sư, thích máy móc, thích vẽ máy móc… Nhưng khi ông vào học chuyên toán thì các thầy cô đều định hướng cho các học sinh chuyên toán hành trình dẫn tới kỳ thi IMO. Nhờ thế mà càng ngày ông càng yêu toán, để cuối cùng trở thành nhà toán học.

"Lúc đó tôi thấy nhiều bài toán khó quá, nên tự nhiên tôi có một động lực thôi thúc là cần phải vượt lên chính mình. Lúc giải toán không được, tôi mở lời giải ra thì thấy lời giải rất ngắn. Khi đó thì tức, vì có thế mà mình giải không ra. Nhưng lại thấy sướng vì thấy bài toán sao hay thế! Những cái khó khăn nhỏ nhỏ đó làm cho mình ngày càng yêu toán hơn. Nếu như toán mà dễ, chưa chắc tôi đã thích đâu", GS Ngô Bảo Châu tâm sự.

Từ câu chuyện trên, GS Ngô Bảo Châu mở rộng vấn đề: "Có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ lại về quan niệm học hành. Chúng ta cứ nghĩ cần phải giảm tải, cần phải đơn giản để cho các em học sinh thấy việc học dễ hơn. Có những em thích việc dễ, nhưng có những em thích vượt qua chính mình".

thuyết số sơ cấp có ích với cả học sinh chuyên tin, chuyên lý

GS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng đối tượng bạn đọc của cuốn thuyết số sơ cấp rất rộng. Với học sinh, cuốn sách này không chỉ phù hợp với những em giỏi toán mà còn với cả học sinh giỏi lý, giỏi tin. Có thể các em cũng chỉ đọc được vài chương và xem một số bài tập, nhưng bấy nhiêu cũng đủ giúp các em cảm nhận được một chút vẻ đẹp của các con số.

"Cách tiếp cận rõ ràng, rành mạch, hiện đại khiến cho cuốn sách không chỉ là một giáo trình cho sinh viên ngành toán, sư phạm toán, mà còn là tài liệu bổ ích cho các học sinh giỏi ở bậc phổ thông muốn tìm hiểu xa hơn các kiến thức sơ cấp, giúp các em có sự chuẩn bị, tầm nhìn tốt hơn khi bước vào ĐH và đi theo con đường nghiên cứu toán trong tương lai. Chúng ta rất cần những những giáo trình tiếng Việt như vậy, không chỉ trong toán mà cả các ngành khoa học nói chung", GS Vũ Hoàng Linh nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.