Tối qua, 3.5, GS Ngô Bảo Châu và các chuyên gia tên tuổi trong nhiều lĩnh vực đã có những chia sẻ hữu ích với phụ huynh và học sinh trong một tọa đàm về hướng nghiệp.
Tham gia tọa đàm gồm những tên tuổi đã được ghi danh trong lĩnh vực mà họ tham gia như nhà giáo ưu tú Đàm Hiếu Chiến (thầy giáo đã từng dạy GS Ngô Bảo Châu hồi ở Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội), bác sĩ - PGS Nguyễn Lân Hiếu (Trường ĐH Y Hà Nội), kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào, TS Nguyễn Thành Nam (Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT)…
Những nghề của tương lai
Trong cuộc tọa đàm, đơn vị tổ chức (Vườn ươm tài năng Talinpa) đã đề nghị học sinh đưa ra những nghề mà các em cho rằng sẽ xuất hiện trong tương lai. GS Ngô Bảo Châu và các chuyên gia đã biểu quyết để chọn những nghề thú vị nhất. “Tác giả” của những nghề này sẽ được GS Ngô Bảo Châu mời ăn trưa cùng. Kết quả có 4 bạn nhỏ được mời, gồm: Vũ Thảo Chi, lớp 9K2 Trường THCS Trưng Vương (làm thủ tướng thuê); Đặng Trần Nhật Minh, lớp 7, Trường BVIS (sửa chữa các lỗi do trí thông minh nhân tạo gây ra); Vũ Hà Vy, lớp 12 D0 Trường THPT Việt Đức (vận hành mặt trời nhân tạo); Lê Thị Thanh Phượng, lớp 12 T4 Trường THPT Thăng Long - Hai Bà Trưng (bác sĩ chữa bệnh cho rô bốt).
Chọn nghề bác sĩ vì... được ăn phở miễn phí!
Mở đầu buổi tọa đàm, các diễn giả chia sẻ những trải nghiệm hướng nghiệp của mình thời thơ ấu. KTS Hoàng Thúc Hào (người dành được giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016) cho biết, ông đi theo nghề kiến trúc là nhờ vào sự định hướng của bố mình, một người làm nghề nội thất. Sự định hướng đó may sao lại đúng đắn, vì sau những trải nghiệm đầy thăng trầm khi làm nghề, anh Hào càng ngày càng yêu nghề, gắn bó với nghề hơn, nhờ thế mà nghề cũng đã mang lại cho anh uy tín và thu nhập cao.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thì chia sẻ những kỷ niệm ngày bé theo mẹ (là bác sĩ) đi khắp nơi để khám chữa bệnh, thấy rất hãnh diện khi mẹ đi đến đâu cũng được người dân trọng vọng, yêu quý. Rồi BS Hiếu dí dỏm “tiết lộ” lý do anh chọn nghề bác sĩ: “Tôi yêu ngành y chỉ vì một điều đơn giản. Ngày xưa, mỗi khi mẹ đi trực thì được ăn phở miễn phí ở Bệnh viện 108. Các bạn trẻ bây giờ không thể hình dung rằng những năm 1979 - 1980, việc được ăn phở miễn phí thì sung sướng thế nào! Cảm giác sáng dậy cầm cái phiếu đi ăn phở cùng mẹ rất hạnh phúc. Từ đó mình cảm giác nếu mình làm tốt cho mọi người thì sẽ được phần thưởng. Do đó cả cuộc đời tôi chỉ mong được làm theo những việc mà mẹ tôi đã làm”.
Dự lễ khai giảng và khánh thành trường mới ở một ngôi trường nằm trên đỉnh núi huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chuyển tải đến các em thông điệp về tình yêu thương.
TS Nguyễn Thành Nam, KTS Đoàn Kỳ Thanh (người thiết kế tổ hợp Zone 9 từng nổi tiếng ở Hà Nội 5 năm trước), nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang thì có điểm chung là được tự chọn nghề, nhưng lại “bị số phận xô đẩy”, nghĩa là phải mất kha khá thời gian mới dừng lại ở một công việc mà mình có thế mạnh và đam mê nhất. Ngay như KTS Đoàn Kỳ Thanh, hiện anh đang muốn “thoát khỏi” cái nghề kiến trúc sư của mình, để tìm một công việc khiến anh cảm thấy hạnh phúc hơn, trong đó hoạt động cộng đồng là một hướng ưu tiên. Còn GS Ngô Bảo Châu thì hồi đầu qua Pháp học cũng có một thời gian ngắn phân tâm nên đã chuyển sang học lập trình máy tính một thời gian. Khoảng hai tuần đầu ông rất phấn chấn, học hành rất tiến bộ. Nhưng về sau tự ông thấy chán, nên lại quay sang "làm" toán (cho đến tận bây giờ).
Người tỏ ra hạnh phúc nhất bởi đã chọn đúng nghề là nhà giáo Đàm Hiếu Chiến. Ông nói: “Tôi không biết tôi chọn nghề hay nghề chọn tôi”. Khi được hỏi “mặt trái” của nghề giáo là gì, ông trả lời: “Với tôi, nó không có mặt trái nào cả. Vì thế nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề giáo”.
Bố mẹ cần đối thoại với con lâu hơn
Trong cuộc tọa đàm, nhiều phụ huynh, học sinh đã có cơ hội chia sẻ những băn khoăn của mình với hy vọng được GS Ngô Bảo Châu và các chuyên gia tháo gỡ giúp. Em Mạnh, một học sinh lớp 10 cho biết em từ Thái Nguyên xuống dự cuộc tọa đàm không chỉ để được chụp ảnh với GS Ngô Bảo Châu mà quan trọng là để tìm được lối ra khả quan trên con đường hướng nghiệp: “Em có một số đam mê, nhưng một số đam mê đó có vẻ không khả thi lắm. Vì thế em cần những lời khuyên để “lọc” bớt các đam mê”. Em Nguyễn Tuấn Hùng, học sinh lớp 12 D6, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: “Cuộc sống có nhiều tác động lắm, nào bố mẹ, môi trường, rồi phim ảnh, báo chí… Mà em thì rất nhiều ước mơ, chẳng hạn như trở thành nhà sử học, rồi nghiên cứu vũ trụ… Nhưng nếu em theo các nghề đó sẽ phải chịu những áp lực gì? Liệu những nghề đó có giúp em đủ ăn đủ tiêu, đủ nuôi gia đình? Do đó em rất cần được các lời khuyên từ người lớn”.
Các chuyên gia đều bày tỏ sự chia sẻ với các bạn học sinh trước những áp lực trong hành trình tìm con đường lập nghiệp cho bản thân. Người lớn đứng trước ngã ba đường đã thấy vô cùng khó khăn khi phải chọn một lối rẽ, đằng này các em nhỏ thường phải đứng trước ngã năm, nào bố, mẹ, nào ông bà nội ngoại, rồi còn bạn bè, thầy cô, xã hội… Trong hướng nghiệp, việc gây áp lực cho con là rất không nên, nhưng đúng là các em vẫn rất cần được bố mẹ hỗ trợ, giúp đỡ. Nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang chia sẻ: “Con trai tôi năm 13 tuổi rất thích trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Ước mơ đó không có gì là sai, nhưng nếu bố mẹ không trò chuyện với con, để con hiểu một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp thực thụ là thế nào, thì đó là vấn đề. Bố mẹ cần chia sẻ, cung cấp thông tin để con tự nghiên cứu, rồi tự có kết luận cho chính mình”.
Theo GS Ngô Bảo Châu, nhiệm vụ của cha mẹ không phải là chọn cho con một nghề phù hợp mà là tạo ra những cuộc đối thoại đủ lâu với con, để giúp con tìm hiểu dần dần những nghề mà con có thể theo đuổi. Khi con cái và bố hoặc mẹ có ước mơ khác nhau về nghề nghiệp của con, thì không nên mặc định ai đúng ai sai. GS Châu nói: “Tâm tư của các cháu cần phải được tôn trọng. Nhưng nhiều khi do ảnh hưởng của truyền thông, hoặc chưa có kinh nghiệm sống nên nguyện vọng có vẻ không thực tế lắm. Quan trọng là cần phải có những cuộc đối thoại lâu hơn giữa cha mẹ và con cái. Sẽ rất mất thời gian đấy. Nhưng tôi nghĩ rằng những cuộc đối thoại đó sẽ mang lại hạnh phúc cho những người làm cha, làm mẹ”.
TS Nguyễn Thành Nam cũng cảnh báo các vị phụ huynh và các bạn nhỏ rằng thế giới đang thay đổi không ngừng, do đó mà các nghề nghiệp trong tương lai sẽ khác xa so với những gì mà ngay bây giờ xã hội có thể hình dung được. Vì thế điều quan trọng là các bạn nhỏ vẫn phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để làm nền tảng lập nghiệp trong tương lai, mà trong đó môn toán là một môn học quan trọng. Ông Nam nhận xét: “Sở trường của học sinh VN là môn toán, vì đấy là môn học không đòi hỏi cao siêu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghèo mấy vẫn học giỏi được. Bởi sau này, dù làm nghề gì, thiết kế thời trang, hay làm bác sĩ, thì vẫn phải biết toán. Hoặc học toán xong thì có thể làm được nhiều nghề khác”. GS Ngô Bảo Châu cũng đồng ý với nhận xét này: “Nếu học toán dở, khi vào đời sẽ có nhiều cánh cửa đóng lại. Do đó việc học toán tốt không phải vì toán mà là nó giúp chúng ta giữ được nhiều cơ hội”.
Bình luận (0)