GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ thông tin trên trong Ngày hội toán học mở 2021 do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức trực tuyến ngày 17.1. Từ Mỹ, ông đã có gần một tiếng giao lưu trực tuyến với gần 1.000 học sinh, sinh viên tham gia ngày hội xung quanh chủ đề "Toán học cho một thế giới tốt đẹp hơn".
"Dạy toán không chỉ dạy công thức"
Trong buổi giao lưu, một số câu hỏi được đặt ra liên quan trực tiếp đến việc học toán, dạy toán bậc phổ thông. Nguyễn Cao Minh (Học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đặt vấn đề: "Một số học sinh cảm thấy toán rất khô khan, kiểu chỉ tính toán biến đổi công thức. Nhưng toán học có nhiều vẻ đẹp hơn thế mà học sinh chưa nhận ra. Giáo sư có thêm phương pháp nào để người học hứng thú hơn với việc học và tìm ra vẻ đẹp của môn học này?".
|
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, một trong số những điểm cơ bản của toán phổ thông là phải biết thế nào để chứng minh cho chặt chẽ - đó chính là một phần rất hứng thú trong toán học phổ thông.
"Có những bài toán bất ngờ, lời giải bất ngờ và vẻ đẹp toán học nằm trong sự bất ngờ đó", GS chia sẻ.
GS cho rằng trong dạy toán cần thiết đặt những câu hỏi gây trí tò mò của học sinh và tìm ra những lời giải khác nhau từ chính những kiến thức đang học.
Giải đáp câu hỏi của một giáo viên tiểu học liên quan đến kiến thức toán học cho học sinh bậc học này, GS Ngô Bảo Châu cho hay, việc dạy toán một số nơi ở bậc phổ thông không thu hút học sinh bởi chạy theo cách dạy công thức. Trong khi đó, dạy toán không chỉ dạy công thức mà mà còn phải giúp học sinh hiểu bản chất vấn đề.
"Dạy công thức là không đủ. Học toán không phải để biết cách làm, mà phải hiểu cả việc tại sao phải làm như thế", GS Châu nói.
Người giỏi toán khác gì giỏi các môn khác?
Ngay phần đầu giao lưu, một học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong gửi tới GS Ngô Bảo Châu câu hỏi khá thú vị: "Người học giỏi toán khác gì với người giỏi các môn khác?". Sau một chút khựng lại, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, về cơ bản người học giỏi môn toán không khác gì nhiều so với giỏi các môn khác. Nhưng về cách học, ngoài tính kỷ luật trong học tập như các môn khác thì việc tiếp cận môn này có một số đặc thù.
|
GS phân tích, đa số các môn khoa học xã hội và các môn tự nhiên khác, bước đầu tiếp cận vấn đề bằng sự miêu tả, tiếp đó là tư duy trên cơ sở các số liệu miêu tả. Do đó, các môn học này dừng ở mức độ suy diễn hợp lý, chân lý có thể được chấp nhận ở mức tương đối đúng. Trong khi đó, toán phải phân biệt rõ ràng giữa suy diễn hợp lý và suy diễn đúng. Chỉ những suy luận hoàn toàn đúng, chính xác trong toán mới được công nhận. Cũng bởi tính chất này mà khi học toán, học sinh phải biết chứng minh đúng chứ không chỉ là chứng minh vấn đề "có vẻ đúng", "có vẻ hợp lý".
Nhưng theo GS Châu, sự đòi hỏi đúng và chính xác cũng là một khó khăn cho người học toán. Họ luôn muốn suy diễn một cách chính xác các vấn đề trong cuộc sống, nhưng thực tế không như toán học. Có những vấn đề, chúng ta phải chấp nhận những suy luận ở mức hợp lý, gần đúng. "Ở khía cạnh ngược lại, tôi thấy cũng là điểm mạnh của người giỏi toán. Họ tỉnh táo hơn, biết phân biệt được đâu là suy luận hợp lý và đâu là suy luận chính xác", ông Châu nói.
"Toàn học liên quan hầu hết đến các lĩnh vực cuộc sống, công nghệ số trong thời đại ngày nay cũng vậy. Vậy kiến thức toán học nào cần thiết nhất để thích ứng với xã hội công nghệ số hiện nay?" là câu hỏi của Hoàng Yến (Học sinh Trường quốc tế Nam Mỹ, TP.HCM). Trả lời câu hỏi này, GS Châu khẳng định toán học có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên không phải lĩnh vực nào của toán học cũng có vai trò giống nhau. Trong đó thống kê và xác suất là yếu tố cơ bản trong công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Một số lĩnh vực khác cũng rất cần trong tương lai như: khoa học tính toán, an toàn thông tin, khoa học mật mã.
Bình luận (0)