GS Ngô Đức Thịnh, chuyên gia về đạo Mẫu và sử thi Tây Nguyên đã qua đời

06/06/2020 15:36 GMT+7

GS-TS Ngô Đức Thịnh , người đã có đột phá trong nghiên cứu đạo Mẫu và sử thi Tây Nguyên, vừa qua đời sáng 6.6.

GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, vừa qua đời sáng nay, 6.6. Ông được coi là chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu cũng như sử thi Tây Nguyên.
“Tôi đã và vẫn cứ chờ điều kỳ diệu giúp anh ấy vượt qua, nhưng bác đã xuôi tay rồi ư! Tôi mất một người bạn, một người anh hiền, lớn nữa rồi!”, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, chia sẻ.
GS-TS Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944 tại Nam Định. Ông tốt nghiệp khóa đầu Dân tộc học, khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967), về làm việc tại Viện Dân tộc học Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Sau khi làm nghiên cứu sinh tại Nga 1972 - 1976, GS Thịnh về làm ở Viện Đông Nam Á, rồi sang Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Văn hóa Việt Nam).
Từ 1994 - 2008, ông là Viện trưởng Văn hóa VN, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Từ 2008 đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng VN. Ông còn là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Phó chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. GS-TS Ngô Đức Thịnh nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.
Theo TS Nguyễn Việt, GS-TS Ngô Đức Thịnh từng có đột phá trong nghiên cứu văn hóa vật chất các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đặc biệt, ông mở đường cho nhiều nghiên cứu, sưu tầm văn hóa phi vật thể như đạo thờ Mẫu và các áng sử thi Tây Nguyên. Ông cũng được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho việc nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt; và cũng là người sáng lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Tín ngưỡng Việt Nam, góp phần để UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu.
Một số cuốn sách của GS-TS Ngô Đức Thịnh được nhiều người biết đến như Đạo Mẫu ở Việt Nam, Luật tục Ê Đê; Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam (2 tập); Sắc thái văn hoá địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước; Sử thi Tây Nguyên; Sự phát triển văn hoá xã hội của người Dao - hiện tại và tương lai; Văn hoá nghệ thuật Nam bộ; Văn hoá và lịch sử người Thái ở Việt Nam… 
Tang lễ GS-TS Ngô Đức Thịnh được cử hành từ 9 giờ 30 - 10 giờ 45 sáng 8.6 (tức ngày 17.4 âm lịch) tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.